Bị phát hiện chở quá tải, tài xế cù nhầy

“Bên cạnh nhiều tài xế hợp tác với lực lượng thanh tra trong quá trình kiểm tra tải trọng thì vẫn còn khá nhiều tài xế chây ỳ, chốt cửa cố thủ ở trên xe không hợp tác; thậm chí có tài xế khóa cửa rồi bỏ đi nơi khác, gây khó khăn cho lực lượng thanh tra”. Ông Trần Quốc Khánh, Chánh Thanh tra Sở GTVT TP.HCM, cho biết khi trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCMvề đợt cao điểm kiểm soát tải trọng xe đang tiến hành trên địa bàn TP.HCM.

Đủ trò đối phó

Cụ thể, ngày 23-7, tại trạm cân lưu động trên đường Võ Chí Công, gần khu vực cầu Bà Cua hướng vào cảng Cát Lái (quận 2), Thanh tra Sở GTVT TP phát hiện xe đầu kéo biển số 51C-596.54 kéo theo sơmi rơmoóc mang biển số 51R-070.22 có dấu hiệu chở hàng quá tải trọng nên yêu cầu dừng xe để kiểm tra. Kết quả, xe vượt tổng trọng lượng cho phép của cầu, đường là 18,8%; vượt tải trọng trục cho phép của cầu, đường là 28,1% và vượt khối lượng hàng chuyên chở cho phép là 58,1%.

“Tuy nhiên, sau khi thanh tra thông báo kết quả cân thì lái xe gọi điện thoại cho chủ xe đến cự cãi, không chấp nhận kết quả cân của trạm và trì hoãn ký biên bản vi phạm tải trọng, gây khó khăn cho lực lượng chức năng. Thậm chí tài xế này còn biện minh trạm cân lưu động của Thanh tra Sở cân sai và yêu cầu cân lại ở một trạm cân độc lập khác” - ông Khánh cho biết.

Sau đó, lực lượng thanh tra đã bố trí cho phương tiện này đi cân ở trạm khác và kết quả giống lần đầu. Sau quá trình thuyết phục, giải thích cùng với sự phối hợp của lực lượng CSGT, phải mất gần 5 giờ sau tài xế mới đồng ý ký biên bản vi phạm.

Tương tự, ngày 16-7, lực lượng thanh tra phát hiện tài xế TTN điều khiển xe tải biển số 51C-743.18 chở hàng có dấu hiệu quá tải “khủng” nên yêu cầu dừng xe để kiểm tra. Do biết xe chở quá tải trọng nên vừa xuống xe tài xế N. đã liên tục gọi điện thoại cho người quen để “cầu cứu” và bất hợp tác. Sau gần 30 phút được giải thích, hướng dẫn, cuối cùng tài xế N. phải chấp hành hợp tác, đưa xe lên cân. Kết quả chiếc xe chở hàng quá tải đến 207%. Lực lượng chức năng đã tiến hành lập biên bản, xử phạt cả tài xế và chủ phương tiện.

Trước đó, ngày 7-6, tại trạm cân số 2 trên đường Nguyễn Văn Linh, lực lượng Thanh tra Sở phát hiện xe tải biển số 51C-556.86 chở hàng có dấu hiệu quá tải. Sau khi dừng phương tiện, yêu cầu xuất trình giấy tờ để tiến hành kiểm tra tải trọng thì tài xế bất ngờ đóng cửa bỏ đi. Sau gần 3 giờ chờ đợi cũng như áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để xác minh, liên hệ chủ phương tiện, lực lượng chức năng mới đưa được phương tiện vào trạm cân để kiểm tra tải trọng. Kết quả, xe này chở vượt tổng trọng lượng cho phép của cầu, đường là 11,7%; vượt tải trọng trục cho phép của cầu, đường 37,8% và vượt khối lượng hàng chuyên chở cho phép 221,4%.

Thanh tra giao thông đang đưa xe vào trạm cân lưu động trên đường Võ Chí Công, quận 2, TP.HCM. Ảnh: ĐÀO TRANG

Cho người cảnh giới

Cũng theo ông Khánh, hiện nay việc chấp hành tải trọng xe tại các bến, cảng được thực hiện đúng theo quy định. Tuy nhiên, tại các tuyến đường ra vào cảng vẫn còn tình trạng xe không chấp hành, cố tình chở quá tải. Để chấn chỉnh tình trạng này, Thanh tra Sở GTVT đã tăng cường các trạm cân lưu động để đón lõng. “Ưu điểm của trạm cân lưu động là có thể cơ động, hoạt động đột xuất để hạn chế việc né trạm của tài xế và doanh nghiệp” - ông Khánh nói.

14 tỉ đồng là tổng số tiền xử phạt 901 xe vi phạm chở quá tải trong sáu tháng đầu năm, theo số liệu Thanh tra Sở GTVT TP.HCM. Trong đó, xử phạt người điều khiển phương tiện là 434 vụ với số tiền trên 2,7 tỉ đồng; vi phạm về quá tải cầu, đường bộ là 223 vụ với số tiền trên 1,4 tỉ đồng; vi phạm về quá khổ, quá tải, kiểm định xe là 211 vụ với số tiền trên 1,3 tỉ đồng. 

Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, khi một phương tiện vi phạm chở quá tải trọng thì không chỉ tài xế bị xử phạt mà chủ phương tiện cũng bị xử phạt với mức tiền cao hơn nhiều lần so với tài xế. Do đó, một số chủ phương tiện và tài xế đã tìm cách đối phó, cho người cảnh giới, theo dõi hoạt động của lực lượng chức năng. Khi thấy lực lượng thanh tra giao thông lập chốt, trạm lưu động thì lập tức các đối tượng báo tin để tài xế, chủ phương tiện thay đổi lộ trình di chuyển.

“Nên có trạm cân lưu động mới chỉ cần hoạt động trong vài giờ thì các phương tiện đã biết để né trạm cân” - ông Khánh cho biết.

Trước các chiêu trò né trạm này, ông Khánh thừa nhận việc kiểm tra tải trọng xe gặp không ít khó khăn. “Để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các chủ phương tiện và tài xế khi tham gia giao thông, đối với các trường hợp cố tình né trạm hay trì hoãn, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình kiểm tra tải trọng, Thanh tra Sở sẽ có thông báo gửi các cảng để xem xét từ chối, không cho các phương tiện này vào lên xuống hàng hóa” - ông Khánh nêu giải pháp.

Tài xế phải đi đúng lộ trình mà công ty đưa ra

Tài xế Đào Văn Hưởng (ngụ Nhà Bè) chia sẻ anh từng là tài xế chạy xe bồn nên hiểu rõ cách thức vận hành của tuyến đường thường đi. Theo anh, khi chạy xe tài xế phải đi đúng lộ trình mà công ty đưa ra, theo đúng thời gian để tránh phát sinh rầy rà khi gặp cơ quan chức năng. Thậm chí tài xế cũng phải né trạm cân dù không biết xe có chở quá tải hay không. Còn nếu bị phát hiện thì tài xế cũng phải chịu trách nhiệm trong việc đóng tiền phạt đó và phải báo về công ty. Do tài xế chở quá tải trọng sẽ bị xử phạt rất nặng nên đa phần các tài xế sẽ tìm cách né tránh nộp phạt. Trường hợp hết cách mới ký biên bản chịu xử phạt. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới