Sắp tới tôi tính thi bằng lái xe hạng D để xin chạy xe bus, tuy nhiên thị lực bị giảm vào lúc chập tối và mắc một số bệnh lý khác. Xin hỏi bị quáng gà có được cấp GPLX hạng D không, thưa luật sư? Ngoài ra mắc bệnh nào không được lái xe hạng D?
Bạn đọc Hoàng Minh (TP.HCM)
Luật sư Nguyễn Đình Thế, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết theo Điều 57 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024, GPLX Hạng D cấp cho người lái xe ô tô chở người (kể cả xe buýt) trên 29 chỗ (không kể chỗ của người lái xe); xe ô tô chở người giường nằm; các loại xe ô tô chở người quy định cho giấy phép lái xe hạng D kéo rơ moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 750 kg; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe các hạng B, C1, C, D1, D2. GPLX hạng D có thời hạn 05 năm kể từ ngày cấp.
Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư 36/2024/TT-BYT (có hiệu lực từ ngày 01-01-2025) quy định trường hợp bị giảm thị lực lúc chập tối (bị quáng gà) thuộc một trong các tình trạng bệnh, tật không đủ điều kiện sức khoẻ cấp giấy phép lái xe hạng D.
Ngoài ra, Thông tư 36/2024/TT-BYT còn quy định một số bệnh khác liên quan đến tâm thần, thần kinh, tai - mũi - học,... sẽ không đủ điều kiện thi GPLX hạng D.
Từ ngày 01-01-2025, người lái xe phải đủ 27 tuổi trở lên theo quy định tại điểm đ Khoản 1 Điều 59 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 và bảo đảm điều kiện sức khỏe theo quy định thì mới được xét giấy phép lái xe hạng D.
Theo quy định hiện hành tại Thông tư liên tịch 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT thì việc xét nghiệm nồng độ cồn là bắt buộc với tất cả người lái xe khi khám sức khỏe.
Tuy nhiên, từ 1-1-2025 theo quy định tại mục 9 Phụ lục I Thông tư 36/2024/TT-BYT sẽ bỏ quy định xét nghiệm nồng độ cồn đối với tất cả người lái xe khi khám sức khỏe. Việc xét nghiệm nồng độ cồn sẽ chỉ được thực hiện khi có chỉ định của bác sĩ. Riêng người hành nghề lái ô tô sẽ bắt buộc phải xét nghiệm nồng độ cồn trong khám sức khỏe định kỳ.