Theo Daily Mail, trong chuyến đi thuyết giảng ở Nhật vào năm 1922, nhà vật lý học Einstein đã viết tặng người đưa thư của ông một dòng chữ như một món quà thay vì khoản tiền boa thông thường.
Được biết, cùng thời điểm này nhà vật lý học vừa được thông báo rằng mình đã được nhận giải Nobel vật lý và danh tiếng của ông đã vượt ra ngoài lĩnh vực khoa học.
Chân dung nhà thiên tài vật lý Albert Einstein. Ảnh: Corbis
Như thường lệ, người đưa thư đến khách sạn Imperial ở Tokyo để nhận thư từ ông Einstein rồi giúp ông chuyển phát đến những nơi khác. Có lẽ người đưa thư đã từ chối nhận khoản tiền boa theo văn hóa truyền thống của người Nhật, hoặc lúc đó ông Einstein không còn tiền lẻ, nên ông Einstein đã nghĩ ra một cách khác để “tặng thưởng” cho người đưa thư giúp ông.
Theo như lời người đưa thư kể lại, ông Einstein đã viết cho ông ta hai dòng chữ bằng tiếng Đức với lời nhắn “Nếu may mắn, biết đâu dòng chữ này sẽ trở nên giá trị hơn một khoản tiền boa thông thường”.
Bức thư lưu giữ bút tích của nhà vật lý học thiên tài sắp được rao bán sau 95 năm. Ảnh: Getty Images
Bức thư được viết trên giấy viết thư có sẵn ở phòng khách sạn, vẫn còn logo của Imperial Hotel Tokyo với nội dung như sau: “Một cuộc sống tĩnh lặng và giản dị sẽ nhiều niềm vui hơn là một cuộc đời thành công nhưng không ngừng xáo trộn”. Mặt bên kia của tờ giấy có dòng chữ “Ở đâu có ý chí ở đấy có con đường”.
Bức thư sau đó được người đưa thư lưu giữ như một kỷ vật cho đến hết đời. Giờ đây một người họ hàng của ông đã mang bức thư đi rao bán.
Theo như Roni Grosz, một chuyên gia lưu trữ phụ trách bộ sưu tập về Einstein lớn nhất thế giới cho biết: "Bức thư này không mang bất cứ giá trị khoa học nào. Tuy nhiên, nó thể hiện tư tưởng cá nhân của nhà vật lý thiên tài vào thời điểm đó".