Bị sa thải, tòa nào xử?

Đó là trường hợp của ông Nguyễn Văn Sơn ở phường Bình Đa, TP Biên Hòa, Đồng Nai. Ông Sơn kiện Công ty TNHH Air Liquide Việt Nam (gọi tắt là Công ty AL) ra TAND quận 9
(TP.HCM) vì cho rằng ông bị công ty này sa thải trái luật nhưng tòa quận 9 chuyển vụ án cho tòa nơi có trụ sở của công ty. Tòa kia lại chuyển ngược lại...

Bị sa thải vì gia đình kinh doanh tương tự

Ông Sơn kể năm 2008 ông ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) không xác định thời hạn với Công ty AL (trụ sở chính ở TP Bắc Ninh, Bắc Ninh) chuyên về sản xuất khí công nghiệp. Công việc chính của ông là kỹ sư lắp đặt các thiết bị cho khách hàng. Địa điểm làm việc được ghi trong hợp đồng là nhà máy công ty ở Khu công nghiệp Phú Mỹ I, huyện Tân Thành, Bà Rịa-Vũng Tàu (đây cũng là chi nhánh của Công ty AL) nhưng không giới hạn các nơi khác theo yêu cầu công việc.

Vẫn theo ông Sơn, ngày 4-1-2011, Công ty AL ra quyết định kỷ luật sa thải ông với lỗi gia đình kinh doanh ngành nghề tương tự với công ty. Thời điểm này ông đang làm việc cho nhà máy của công ty ở quận 9 (TP.HCM) nhưng nơi đóng dấu ký quyết định lại là chi nhánh Công ty AL ở huyện Tân Thành, Bà Rịa-Vũng Tàu.

Ngày 5-6-2011, ông Sơn gửi đơn đến TAND quận 9 kiện Công ty AL vì cho rằng công ty sa thải ông trái luật.

Nếu có xảy ra tranh chấp trong lao động, nguyên đơn có quyền lựa chọn tòa án giải quyết tùy theo các trường hợp theo quy định. Ảnh chỉ có tính minh họa: HTD

Chuyển qua chuyển lại, không ai xử

Một năm sau (ngày 4-6-2012), TAND quận 9 chuyển hồ sơ vụ án của ông Sơn ra TAND TP Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh) nơi có trụ sở của công ty. Lý do tòa đưa ra là Công ty AL không có chi nhánh ở quận 9 và nguyên đơn không cư trú ở quận 9 nên tòa quận 9 không có thẩm quyền giải quyết.

Do Bắc Ninh quá xa nên ông Sơn không có điều kiện ra đó giải quyết, vì vậy ông gửi đơn xin chuyển vụ án về TAND quận 9 (kèm theo giấy xác nhận Công ty AL có nhà máy ở quận 9). Ngày 21-9-2012, TAND TP Bắc Ninh chuyển hồ sơ vụ án ngược lại cho TAND quận 9 giải quyết. Tòa này căn cứ vào điểm b khoản 1 Điều 36, Điều 37 Bộ luật Tố tụng dân sự để cho rằng tranh chấp phát sinh từ hoạt động của chi nhánh tổ chức thì nguyên đơn có thể yêu cầu tòa án nơi tổ chức có trụ sở hoặc nơi tổ chức có chi nhánh giải quyết.

Thế nhưng chi nhánh của Công ty AL ở huyện Tân Thành (Bà Rịa-Vũng Tàu) chứ không có ở quận 9 nên TAND quận 9 cũng căn cứ vào điều luật vừa đề cập để chuyển vụ án đến TAND huyện Tân Thành (Bà Rịa-Vũng Tàu) giải quyết.

Tưởng vậy là vụ án được giải quyết nhưng đùng một cái, ngày 10-4-2014, sau gần một năm thụ lý, tòa án huyện Tân Thành lại chuyển vụ án đến TAND TP Bắc Ninh với lý do quan hệ tranh chấp không phát sinh từ hoạt động của chi nhánh.

Ông Sơn bức xúc: “Tôi không hiểu sao các tòa cứ chuyển đơn lòng vòng mãi, cuối cùng thì tòa nào mới có thẩm quyền giải quyết đây?”.

Tòa nào xử mới đúng?

Bà Trần Thị Nhung, Chánh án TAND quận 9, nói thẩm phán chuyển vụ án của ông Sơn đến TAND huyện Tân Thành (Bà Rịa-Vũng Tàu) giải quyết là đúng quy định. Bởi lẽ nơi này được đăng ký trong giấy chứng nhận đầu tư là chi nhánh của Công ty AL, còn ở quận 9 chỉ là nhà máy của công ty chứ không phải là chi nhánh nên không thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND quận 9.

Theo luật sư Lê Văn Hoan (Đoàn Luật sư TP.HCM), khi TAND quận 9 chuyển hồ sơ vụ án đến TAND huyện Tân Thành thì lẽ ra tòa này phải thụ lý giải quyết chứ không nên chuyển ra cho TAND TP Bắc Ninh. Bởi vì nơi thực hiện hợp đồng cũng là đây và nơi ra quyết định (đóng dấu) sa thải ông Sơn cũng là chi nhánh của Công ty AL ở huyện Tân Thành, Bà Rịa-Vũng Tàu. Từ đó cho thấy tranh chấp lao động này phát sinh từ quan hệ hợp đồng có liên quan đến chi nhánh công ty nên có cơ sở để TAND huyện Tân Thành thụ lý giải quyết.

Ngoài ra, nếu muốn TAND quận 9 thụ lý vụ kiện thì ông Sơn phải kiện Công ty AL theo hướng tranh chấp về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động, bảo hiểm xã hội, quyền và lợi ích liên quan đến việc làm, tiền lương, thu nhập và các điều kiện lao động khác.

KIM PHỤNG

Thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động

Thẩm quyền của tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau: Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về lao động. Ngoài ra, các đương sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn (nếu nguyên đơn là cá nhân) hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn (nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức) giải quyết những tranh chấp về lao động.

Thẩm quyền của tòa án theo sự lựa chọn của nguyên đơn: Nguyên đơn có quyền lựa chọn tòa án giải quyết tranh chấp về lao động trong các trường hợp: Nếu tranh chấp phát sinh từ hoạt động của chi nhánh tổ chức thì nguyên đơn có thể yêu cầu tòa án nơi tổ chức có trụ sở hoặc nơi tổ chức có chi nhánh giải quyết; nếu tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì nguyên đơn có thể yêu cầu tòa án nơi mình cư trú, làm việc, có trụ sở hoặc nơi xảy ra việc gây thiệt hại giải quyết; nếu tranh chấp về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động, bảo hiểm xã hội, quyền và lợi ích liên quan đến việc làm, tiền lương, thu nhập và các điều kiện lao động khác đối với người lao động thì nguyên đơn (là người lao động) có thể yêu cầu tòa án nơi mình cư trú, làm việc giải quyết...

Trích Điều 35, 36 Bộ luật Tố tụng dân sự

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm