Trần Văn Phi (Bắc Giang)
Say nóng, say nắng chỉ xảy ra với những người phải làm việc hoặc hoạt động lâu ngoài trời nắng. Khi gặp người say nóng, say nắng, cần xử trí kịp thời như: đưa bệnh nhân vào nơi thoáng mát, đặt bệnh nhân nằm ngửa, chân gác lên cao, quạt mát cho bệnh nhân, cởi bỏ bớt quần áo... sau khi sức khỏe ổn định. Người say nóng, say nắng cần chú ý:
Không nên uống quá nhiều nước một lúc mà nên chia làm nhiều lần, mỗi lần uống một ít. Vì nếu uống liền lúc quá nhiều nước không những ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa mà còn làm loãng dịch dạ dày, khiến cơ thể ra quá nhiều mồ hôi, từ đó gây mất nước và lượng muối trong cơ thể. Không nên ăn hoa quả lạnh vì dễ làm tổn thương đến dạ dày gây trướng bụng, tiêu chảy, đau bụng bị say nắng, cơ thể suy nhược, nhất là về tì và vị (dạ dày).
Tuyệt đối tránh xa các loại thực phẩm nhiều dầu mỡ để phần nào giúp cơ thể thích ứng với chức năng tiêu hóa của dạ dày trong mùa hè oi bức. Nếu ăn, dạ dày bị tăng thêm gánh nặng khiến lượng lớn máu của cơ thể dồn đọng ở đường tiêu hóa, lúc đó sẽ thiếu máu để đưa lên não, làm cho cơ thể có cảm giác mệt mỏi hơn, chứng khó tiêu lại thêm trầm trọng.
Sau khi bị say nắng, hơi nóng vẫn chưa hoàn toàn hạ hỏa, vì vậy, không ăn uống các loại thực phẩm quá giàu chất dinh dưỡng không những chẳng có tác dụng giải cơn say nắng, ngược lại còn kéo dài thêm khí nóng trong người, gây thêm mệt mỏi và hại cho đường tiêu hóa.
Nên ăn các thực phẩm dễ tiêu, lỏng như nước cháo loãng, sữa, các loại trái cây hoặc nước trái cây như: dưa hấu, mướp đắng, nước chanh, nước đậu xanh... rất tốt với người say nóng, say nắng và những người lao động ngoài trời mất nhiều mồ hôi.
Tuy nhiên, khi làm việc, lao động mùa nóng cần uống đủ nước. Khi đi ra ngoài nắng cần phải có nón, khăn che mặt. Cần có chòi, trại để nghỉ mát khi làm việc suốt ngày ngoài nắng để tránh say nóng, say nắng.
Theo BS. Nguyễn Hòa (Sức khỏe và Đời sống)