Người lớn bất cẩn, trẻ chết oan

Nội soi cấp cứu gắp dị vật cho một bệnh nhi tại Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM - Ảnh: L.THH.

Liên tục trong ba ngày, từ 18 đến 20-5, tại khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM, đã có hai bệnh nhi tử vong do hóc xúc xích, sặc cháo và một bệnh nhi bị hôn mê sâu do té từ trên cầu thang xuống sàn nhà.

Những tai nạn đau lòng

Ngày 20-5, bé H.N.E., 20 tháng tuổi, ở Dĩ An, Bình Dương, đã tử vong chỉ sau một ngày điều trị tại khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 2. Theo người nhà bé, ngày 19-5 bé đang được đút cháo thì bị sặc, tím tái. Một lúc sau bé E. mới được đưa đi cấp cứu. Lúc đến Bệnh viện Quân đoàn 4 bé đã trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở. Bé E. được hồi sức để tim đập lại và chuyển tiếp lên Bệnh viện Nhi Đồng 2  nhưng không thể qua khỏi.

Trước bé E., ngày 18-5 bé B.Q.Y.V., 8 tháng tuổi, ở thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận, đã tử vong sau hai ngày điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2. Trước đó khoảng 21g ngày 15-5, bé V. được người nhà cho cầm nửa cây xúc xích ăn, sau đó bé V. bị sặc, tím môi. Thay vì phải sơ cứu bằng cách vỗ lưng - ấn ngực cho dị vật ra ngoài, người nhà bé V. lại ra sức móc họng bé mà không biết vô tình càng đẩy dị vật vào sâu hơn. Mãi vẫn không lấy được dị vật, người nhà mới đưa bé đến cấp cứu tại Bệnh viện thị xã La Gi trong tình trạng ngưng thở, nhịp tim rời rạc. Bé đã được Bệnh viện thị xã La Gi hồi sức, sau đó chuyển lên Bệnh viện Nhi Đồng 2 lúc 0g ngày 16-5 trong tình trạng hôn mê sâu, môi tím, mạch nhẹ, huyết áp không đo được.

Còn bé V.T.K.T., 31 tháng tuổi, ở Q.3, TP.HCM, nhập viện vì bị chấn thương đầu, hôn mê sâu sau cú té cầu thang trong lúc đi một mình từ trên lầu xuống nhà. Bé T. vẫn đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2. Trước đó, một tai nạn thương tâm khác đã xảy ra với bé H.M.Q., 16 tháng tuổi, ở Biên Hòa,  Đồng Nai, bé bị hôn mê sâu và tử vong vào ngày 17-4 tại bệnh viện do bị trượt té trên sàn nhà.

Hối hận thì đã muộn

Một bác sĩ làm việc tại khoa cấp cứu chia sẻ thật đau lòng khi phải chứng kiến những em bé bụ bẫm, dễ thương bị hôn mê sâu, tử vong mà không thể cứu do nhập viện trong tình trạng rất nặng. Trong khi đó nhiều bậc cha mẹ biết con không thể qua khỏi cũng không nói được lời nào, chỉ có thể khóc. Thật khó chấp nhận sự thật khi con trẻ đang khỏe mạnh, vui đùa mà chỉ trong tích tắc bất cẩn đã mất đi sự sống. Nhiều người thân rất hối hận về một phút bất cẩn của mình, nhưng mọi chuyện đều đã muộn!

Bác sĩ Bùi Văn Đỡ, phó khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 2, cho biết khoa cấp cứu bệnh viện vẫn gặp những trẻ bị chấn thương đầu, bỏng, hôn mê sâu, thậm chí tử vong do tai nạn trong sinh hoạt như bị tivi, tủ đè lên người, uống nhầm dầu hôi, xăng, hóc các loại trái cây có hạt hoặc ngậm những đồ chơi nhỏ... Qua những tai nạn thường gặp trong sinh hoạt ở trẻ nhỏ, bác sĩ Đỡ khuyên người chăm sóc luôn phải để mắt đến trẻ bởi chỉ cần tích tắc bất cẩn có thể dẫn đến những tai nạn đáng tiếc. Các bậc cha mẹ cần phòng tránh những tai nạn sinh hoạt bằng cách không cho trẻ ăn khi trẻ đang cười hoặc khóc, không cho ăn những loại trái cây chưa được bỏ hột, những loại thức ăn có hình tròn nhỏ như hột đậu phộng vì trẻ rất dễ bị sặc. Không nên đặt tivi hoặc để những vật sắc nhọn như dao, thủy tinh mà trẻ có thể với được. Khi trữ dầu hôi hay xăng, axit... cần để xa tầm tay trẻ, tốt nhất nên để vào tủ có khóa.

 

Sơ cứu khi trẻ bị hóc dị vật

Bác sĩ Bùi Văn Đỡ cho biết khi trẻ bị hóc dị vật, người nhà cần làm theo những bước sau:

- Với trẻ lớn, nếu còn tỉnh: người nhà đứng phía sau hoặc quỳ tựa gối vào lưng trẻ (trẻ dưới 7 tuổi), vòng hai tay ngang thắt lưng. Đặt một nắm tay vào bụng ở đầu dưới xương ức, bàn tay chồng lên, đột ngột ấn mạnh, nhanh năm lần theo hướng trước ra sau và dưới lên trên.

- Với trẻ lớn đã hôn mê: đặt trẻ nằm ngửa, người nhà quỳ gối và đặt hai bàn tay chồng lên nhau vùng dưới xương ức trẻ, đột ngột ấn mạnh nhanh năm lần.

- Trẻ dưới 1 tuổi: sơ cứu theo phương pháp vỗ lưng ấn ngực. Đặt trẻ nằm sấp đầu thấp trên cánh tay. Dùng lòng bàn tay phải vỗ lưng năm lần mạnh và nhanh vùng giữa hai xương bả vai. Sau đó lật ngửa trẻ, nếu còn khó thở dùng hai ngón tay ấn ngực năm lần.

Nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện cấp cứu.

Theo THÙY DƯƠNG (TTO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm