Bí thư Đồng Nai kể về luống rau cằn cỗi trong vườn rau tươi tốt

Tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh Đồng Nai Khóa IX diễn ra sáng 7-7, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Ngân, tổ đại biểu huyện Nhơn Trạch chất vấn: Trong thời gian qua có tình trạng một số sản phẩm đã vượt quá quy hoạch cung cầu, cụ thể là sản phẩm heo, chuối. Đề nghị chủ tịch UBND tỉnh cho biết trách nhiệm về việc chỉ đạo quy hoạch và việc quản lý quy hoạch  chỉ đạo sản xuất chăn nuôi trên địa bàn tỉnh và các giải pháp nhằm đảm bảo cho ngành nông nghiệp phát triển ổn định, bền vững trong thời gian tới.

Giải cứu nông nghiệp làm nóng nghị trường Đồng Nai. Ảnh: TD

Quy hoạch không kịp so với phát triển

Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Thành Vinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai cho biết về trách nhiệm của ngành thì Sở đã có sự tham mưu cho UBND tỉnh Đồng Nai ban hành quy hoạch sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vào năm 2014. Trên cơ sở đó các địa phương cũng tiến hành xây dựng quy hoạch phát triển nông nghiệp ở địa phương. 

Tuy nhiên thời gian vừa qua trong việc triển khai quy hoạch có tình trạng cung vượt cầu như các sản phẩm chuối, heo, gà... Theo quy hoạch thì đến 2020, heo sẽ đạt tổng đàn 2 triệu con. Tuy nhiên mới đầu 2017 thì tổng đàn heo đã đạt 2 triệu con. Còn quy hoạch đàn gà đến 2020 để đáp ứng được phục vụ nhu cầu của thị trường của tỉnh và của TP.HCM và các tỉnh lân cận là 16,5 triệu con. Tuy nhiên đến đầu năm 2017 thì tổng đàn gà đã tăng lên 18 triệu con. Việc quy hoạch thì có trách nhiệm của ngành nông nghiệp nhưng trách nhiệm chính trong việc này là địa phương.

Về giải pháp, trước mắt là phải giảm đàn. Cụ thể sở nông nghiệp kiến nghị sẽ tiến hành giảm chăn nuôi nhỏ lẻ. Bởi vì khu vực này không thể cạnh tranh được với chăn nuôi công nghiệp.

Còn giải pháp lâu dài đó là phải triển khai tốt công tác quy hoạch, đề án phát triển chăn nuôi gia súc gia cầm bền vững và tái cơ cấu ngành. Sản xuất phải gắn theo chuỗi, cùng với các ngành hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu sản phẩm, nhãn hiệu hàng hóa, tổ chức liên kết sản xuất, tổ chức xây dựng các hợp tác xã.

Tỉnh cũng đã xây dựng chợ đầu mối nông sản Dầu Giây tạo điều kiện cho hàng hóa nông sản của người dân tiêu thụ cũng là nơi quảng bá các thương hiệu và tiêu thụ trên địa bàn cả nước.

Cần quản lý chặt chất lượng

Qua trả lời chất vấn của ông Nguyễn Thành Vinh, đại biểu Ngân cho rằng nhà nước không thể buộc trồng cây gì, nuôi con gì nhưng cần cung cấp thông tin hướng dẫn cho người dân. Trách nhiệm của cơ quan nhà nước là phải cảnh báo thi trường kịp thời cho người dân. Ví dụ như thị trường Trung Quốc xiết cửa biên giới hay thu hẹp nguồn cung tự đáp ứng nhu cầu trong nước và có thêm hàng rẻ chất lượng cao nhập khẩu từ các nước khác thì các ngành phải nắm bắt thông tin sớm, thông tin ngay cho các địa phương để nông dân dễ nắm bắt và điều tiết sản xuất.

Ngoài những giải pháp ngắn hạn thì đại biểu Ngân đề nghị ngành nông nghiệp, ngành công thương cũng như là Sở Khoa học công nghệ có những giải pháp toàn diện hơn và lâu dài hơn để giải cứu ngành nông nghiệp tỉnh.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đồng Nai Nguyễn Thành Vinh trả lời chất vấn. Ảnh: T.D

Theo ông Nguyễn Phú Cường, Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Nai, chủ tọa hội nghị, sản xuất nông nghiệp Đồng Nai vừa qua nổi cộm hai vấn đề đó là giải cứu heo và giải cứu chuối. Do nguồn cung vượt cầu nên giá heo giảm thấp, chuối cũng giảm thấp và bán không có người mua, nông dân bị thiệt hại. Đây là vấn đề tỉnh rất đau đầu.

Theo ông Nguyễn Phú Cường, trước đây khuyến khích người dân phát triển mô hình vườn ao chuồng để cho kinh tế bền vững. Thì giờ lại nói cung vượt cầu.

Cũng theo ông Cường nguyên nhân là chưa có thị trường xuất khẩu đối với heo và nông sản. Ông Cường nói chuối ở Đồng Nai chỉ có hai ba ngàn một ký nhưng ở Bình Dương có trang trại xuất khẩu 9.000 đồng/kg nhưng không có mà bán. Chuối Đồng Nai chưa bán được vì chất lượng chưa cao, trồng chưa đúng quy trình để xuất khẩu.

Ông Cường cũng đề nghị người dân nên sản xuất và chăn nuôi đúng kỹ thuật không nên bỏ chất cấm vào. Ông Cường cũng đề nghị sắp tới luật hình sự về tội này có hiệu lực thì cần xử thật nghiêm hành vi đầu độc đồng loại bằng chất cấm. Ông Cường nêu ví dụ đi nước ngoài thấy nước nào cũng sản xuất sạch. Còn tại Đồng Nai trước đây ông đi thăm các trạng trại và các hộ trồng rau ở phường Tân Biên (TP.Biên Hòa) thì thấy vườn rau bạt ngàn tươi tốt nhưng có một luống rau lại cằn cỗi. Hỏi thì chủ nhà hồn nhiên trả lời đây là rau dùng cho nhà ăn. Có nghĩa là rau nhà ăn thì không bỏ thuốc còn rau bán thì bơm kích thích.

Theo ông Cường cái này rất tệ hại. Do vậy ngành nông nghiệp ngoài việc quy hoạch phát triển thì cần phải quản lý chất lượng. Vì hiện nhiều gia đình muốn ăn nhưng sợ thực phẩm bẩn.

Ông Cường đề nghị thời gian tới ngành nông nghiệp phải phối hợp với các ngành các cấp tìm thị trường xuất khẩu cho nông sản, tham gia vào chuỗi tiêu thụ hàng hóa toàn cầu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm