Bí thư Hà Nội: Đường làm chậm, giá thành tăng, dân thêm khổ

(PLO)- Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh cần phải đẩy nhanh tiến độ các dự án đường giao thông vì làm đường chậm một ngày thì dân khổ thêm một ngày, vốn đầu tư cũng tăng thêm…
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 5-5, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cùng các đại biểu Quốc hội thuộc Đơn vị bầu cử số 4 tiếp xúc cử tri quận Hoàng Mai và huyện Gia Lâm trước kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV.

Tại đây, Bí thư Hà Nội đã thông tin về dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô và việc triển khai các dự án đường giao thông khác của TP.

Đối với dự án đường Vành đai 4, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ giao đến 30-6-2023 phải bàn giao cơ bản 70% mặt bằng và tổ chức khởi công được dự án Vành đai 4. Đến 31-12-2023 phải bàn giao 100% mặt bằng của dự án.

Ông Dũng cho hay hiện Hà Nội đã bàn giao được khoảng 50% diện tích đất của dự án Vành đai 4. Gần 60% mồ mả được di chuyển, cụ thể có khoảng 11.000 ngôi mộ đến nay đã chuyển được khoảng 6.000 ngôi. Việc di dời mồ mả được các quận huyện tích cực vận động thực hiện trong 2 tháng cuối năm 2022.

Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng. Ảnh: Trọng Phú

Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng. Ảnh: Trọng Phú

"Dự án nhận được sự đồng thuận lớn của bà con, kể cả những ngôi mộ mới chôn cũng di chuyển toàn bộ. Cùng sự đồng thuận của nhân dân, khả năng đến 30-6 tới Hà Nội sẽ khởi công được dự án Vành đai 4", ông nói.

Bí thư Hà Nội cho hay dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô rơi vào khoảng 328 tỉ đồng. Cụ thể dự án có tổng chiều dài 112km đi qua 3 tỉnh với tổng mức đầu tư 85.000 tỉ đồng. Dự án đi qua Hà Nội với chiều dài 58,6km.

Theo phương án được duyệt thì giải phóng mặt bằng (GPMB) cho toàn bộ đường Vành đai 4 bao gồm đường cao tốc, đường song hành 2 bên mỗi bên 2 làn xe, kể cả 30m chiều ngang dự trữ cho đường sắt quốc gia tổng kinh phí GPMB tái định cư trên 13.000 tỉ đồng. Chi phí làm đường song hành 2 bên, mỗi bên 2 làn xe là 5.400 tỉ đồng. Dự tính chi phí làm một km đường là khoảng 328 tỉ.

Bí thư Hà Nội cũng thông tin chi phí làm đường tại khu vực nội đô đắt đỏ hơn nhiều do phần chi cho GPMB chiếm tỷ trọng khá lớn. Cụ thể như đường Vành đai 2,5 quy mô 4-5 làn xe nối từ Nguyễn Trãi sang Đầm Hồng dài hơn 1km chi phí đến 2.500 tỉ đồng. Còn đường Vành đai 1 đoạn từ Hoàng Cầu - Voi Phục cũng trên 1km chi phí tới 7.600 tỉ đồng.

“So sánh như vậy để thấy chúng ta làm đường sớm ngày nào, đồng bộ ngày nào thì rẻ ngày đấy. Ngoài mặt kinh tế, điều quan trọng hơn nếu làm đồng bộ thì sớm ổn định đời sống nhân dân. Như đường Vành đai 1, Vành đai 2,5 nhân dân hàng chục năm nay có yên được không? Có làm ăn kinh doanh yên ổn không hay suốt ngày lo lắng về GPMB. Tự chúng ta gây nên mất an ninh trật tự trong lòng Thủ đô” - Bí thư Thành uỷ Hà Nội nói và nhấn mạnh cần rút kinh nghiệm để triển khai nhanh các dự án giao thông để vừa ổn định đời sống nhân dân, vừa góp phần giảm chi phí cho dự án.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm