Tại buổi làm việc, ông Vũ Ngọc Thanh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP.HCM, thông tin trường còn rất nhiều khó khăn, thiếu trang thiết bị (phim trường, phòng chức năng, phòng chuyên dụng, phòng chiếu phim) để đào tạo nghệ thuật.
Cùng đó đội ngũ cấp phòng, khoa, đơn vị trực thuộc còn mỏng. Nhiều bộ phận không có cấp trưởng, cấp phó... Còn theo quy định (trưởng khoa, bộ môn, phụ trách nghiên cứu khoa học), trưởng khoa phải có trình độ tiến sĩ phù hợp chuyên ngành đào tạo. Trong khi, Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP.HCM có sáu phòng chức năng, 11 khoa chuyên môn và năm đơn vị trực thuộc nhưng chỉ có 55 giảng viên cơ hữu, trong đó có ba phó giáo sư, 5năm tiến sĩ, 18 thạc sĩ/109 công chức, viên chức.
Sau khi nghe lãnh đạo nhà trường nêu những khó khăn trong việc tuyển sinh, phương tiện, thiết bị đào tạo ngành nghề đặc trưng, Bí thư Thành ủy TP.HCM đã chia sẻ những khó khăn mà nhà trường đang gặp phải như cơ sở vật chất, chế độ tiền lương, phúc lợi, nhà ở cho cán bộ, giảng viên nên chưa níu chân người tài.
Bí thư Đinh La Thăng phát biểu tại buổi làm việc
Theo đó ông Thăng yêu cầu nhà trường cần phải kiện toàn bộ máy trong tình cảnh khó khăn. Những khâu đặc thù cần đề xuất cơ chế thí điểm, không để tình trạng thiếu trưởng khoa, phó khoa. Với các môn khoa học cần tiến sĩ nhưng có nhất thiết nghệ thuật cũng cần tiến sĩ, từng khoa một phải có tiến sĩ?
“Các bộ môn khoa học cần tiến sĩ nhưng nghệ thuật có nhất thiết cần tiến sĩ, hay từng khoa một phải có tiến sĩ? Có nhất thiết phải là tiến sĩ hát cải lương. Tôi thấy người ta giới thiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú hát cải lương chứ không thấy ai giới thiệu một ông tiến sĩ lên hát cải lương” - ông Thăng nói.
Bí thư Thành ủy TP.HCM lưu ý, TP phải có được một nền văn hóa nghệ thuật mang đặc trưng của đất Phương Nam. Đó là sự hào sảng, nghĩa khí nghĩa hiệp, vì nếu chỉ tập trung vào kinh tế thì không còn Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định.
Từ đó ông Thăng cho rằng cần cấp học bổng cho những đối tượng học những ngành đặc thù như cải lương, hát bội và các môn nghệ thuật truyền thống.
Ông Thăng cho rằng TP sẽ cho xây dựng một sân khấu cải lương mang tầm cỡ quốc gia để nuôi loại hình nghệ thuât này. Đồng thời sẽ có chế độ học bổng cho những người học cải lương, hát bội từ ngân sách thành phố để thu hút nhân tài tới học và ở lại TP hoạt động.
Theo đó, trường cần có kế hoạch đào tạo trong năm năm tới, trong đó chọn đầu vào, hỗ trợ, học tập kể cả học nước ngoài. "Nhất quyết không thể loại hình này bị mai một. Thử hình dung sau 30 năm nữa phương Nam không còn cải lương thì sẽ như thế nào” - ông Thăng lưu ý.
Bí thư Thành ủy TP.HCM nhìn nhận Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP.HCM chưa tranh thủ được vị thế một đơn vị trung ương đóng tại TP.HCM; chưa tranh thủ được tiềm lực khi thành phố sử dụng 100% sản phẩm của nhà trường.
Trường chưa chủ động liên kết với TP và vẫn có quan niệm là trường trung ương. Trường đóng trên TP, đây là những công dân, đảng viên của TP. Vì chưa có sự phối hợp này nên TP cũng mất đi một nguồn lực lớn.
Ông Thăng cũng lưu ý, Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP.HCM phải có gì khác biệt so với các Trường Sân khấu-Điện ảnh khác trên cả nước. Sản phẩm tiêu biểu của trường là gì? Làm thế nào để nguồn nhân lực đào tạo khi ra trường đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi của xã hội? Cùng đó nhà trường phải đổi mới giáo trình, không thể mang giáo trình mấy chục năm ra giảng dạy.