Bí thư Thành ủy TP.HCM thăm, chúc thọ nhà nghiên cứu 102 tuổi

(PLO)- Nhân dịp mừng sinh nhật 102 tuổi của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư, lãnh đạo TP.HCM đã đến thăm, tặng quà và chúc sức khỏe tác giả của những công trình nghiên cứu địa danh, lịch sử Nam Bộ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 16-7, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cùng các cán bộ Thành phố, quận Bình Thạnh đã đến tư gia gặp gỡ, thăm hỏi và chúc thọ nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư nhân dịp cụ tròn 102 tuổi.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên bên nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư (áo đỏ). Ảnh: Đỗ Việt Dũng.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên bên nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư (áo đỏ). Ảnh: Đỗ Việt Dũng.

Trong không khí đầm ấm, thân tình bên ly trà nóng cùng khói hương trầm tỏa ngát, nhà nghiên cứu hơn trăm tuổi đã chia sẻ những tâm sự về công việc nghiên cứu, cũng như quãng đời nhiều thăng trầm, vất vả của bản thân nhưng trên hết, là tình yêu đối với tri thức của mình.

Những người có mặt không khỏi xúc động khi được cầm trên tay những số báo Truyền bá in năm 1943, 1944 có bài viết của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư. Ấy là những tác phẩm ban đầu vào nghề viết của ông mà theo chia sẻ riêng là lúc ấy, chưa được nhận nhuận bút bằng tiền, mà bằng 20 số báo Truyền bá cho mỗi lần có tác phẩm được in.

Báo Truyền bá số 85 đăng tác phẩm đầu tay của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư. Ảnh: Đình Ba.

Báo Truyền bá số 85 đăng tác phẩm đầu tay của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư. Ảnh: Đình Ba.

Xuất thân trong một gia đình thuần nông, cuộc sống nhiều khó khăn, Nguyễn Đình Tư đã hai lần phải bỏ học vì gia cảnh bần hàn. Nhưng bản thân không nản chí, vẫn miệt mài tự học. Sự nghiệp viết lách của ông, có lúc cũng gặp khó khăn vì cơm áo, gạo tiền.

Chia sẻ với Bí thư Nguyễn Văn Nên và đoàn đến thăm, nhà nghiên cứu họ Nguyễn cho biết, dạo những năm 1980, bản thân phải kiếm sống bằng nghề vá xe đạp ở cửa nhà ga xe lửa. Những lúc rảnh rỗi, lại lấy giấy bút viết tập tiểu thuyết chương hồi Loạn 12 sứ quân để giết thời gian. Bộ tiểu thuyết lịch sử 6 tập đã ra đời bên bộ đồ nghề vá xe như thế và gần đây, được tái bản.

Tuổi tác dù đã cao, nhưng vốn sinh hoạt, ăn uống khoa học, duy trì thói quen tập thể dục hàng ngày, nên dù đã 102 tuổi, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư vẫn không cần đeo kính khi đọc sách. Và để thuận tiện cho việc viết lách, ông làm quen với việc đánh máy vi tính cách đây 7 năm.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên kính chúc nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư tiếp tục cống hiến nhiều tác phẩm hay cho đời. Ảnh: Trần Đình Ba

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên kính chúc nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư tiếp tục cống hiến nhiều tác phẩm hay cho đời. Ảnh: Trần Đình Ba

Những tâm sự của nhà nghiên cứu cao niên đã nhận được sự đồng cảm, thán phục và ngưỡng mộ của mọi người. Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên kính chúc nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư tiếp tục cống hiến nhiều tác phẩm hay cho đời. Đồng thời, giữ gìn sức khỏe, sự lạc quan trong cuộc sống. Chuyến thăm, chúc thọ nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư đầy ắp tiếng cười, thể hiện sự ghi nhận, tri ân một cây cao bóng cả, sự trân trọng tri thức của lãnh đạo Đảng bộ TP.HCM.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư (sinh năm 1920) là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu giá trị được giới sử học ghi nhận. Sự nghiệp cầm bút của ông bền bỉ từ tuổi thanh xuân với tác phẩm đầu tay ra đời năm 1943 và đến nay vẫn miệt mài bên con chữ.

Năm 1943, chàng thanh niên Nguyễn Đình Tư đã có tác phẩm đầu tiên là truyện dài mang tên Nguyễn Xí đăng trên báo Truyền bá số 85, ra ngày 10-6-1943 viết về cụ tổ dòng họ, cũng là khai quốc công thần của triều Hậu Lê. Vẫn trên báo này Nguyễn Đình Tư có những tác phẩm Dì ghẻ con chồng trên Truyền bá số 103, ra ngày 14-10-1943, Thù chồng nợ nước trên Truyền bá số 113, ra ngày 3-2-1944...

Khởi nghiệp cầm bút với những tác phẩm văn học lịch sử, dã sử. Sau này, Nguyễn Đình Tư trong đời cầm bút đã bước sang địa hạt nghiên cứu mà ban đầu là những cuốn sách nghiên cứu địa chí, địa danh hành chính được xuất bản trước 1975 như Non nước Phú Yên, Non nước Khánh Hòa, Non nước Ninh Thuận.

Vẫn trong địa hạt này, gần đây ông còn có những tác phẩm dày dặn như Giang sơn Việt Nam - Đây non nước Quảng Trị, Từ điển địa danh hành chính Nam Bộ, Địa chí hành chính các tỉnh Nam Kỳ thời Pháp thuộc (1859-1954), Đường phố nội thành Thành phố Hồ Chí Minh, Nam Kỳ địa hạt tổng thôn danh hiệu mục lục…

Một số tác phẩm của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư. Ảnh: NXB Tổng hợp TP.HCM

Một số tác phẩm của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư. Ảnh: NXB Tổng hợp TP.HCM

Đối với địa hạt lịch sử, mối quan tâm, tình cảm của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư dành cho mảnh đất Nam Bộ nói chung và Sài Gòn nói riêng để từ đó, ông cho ra đời công trình Tiểu sử và hành trạng các nhà khoa bảng Hán học Nam Bộ. Tiếp đó là Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ (1859-1954) gồm 2 tập. Năm 2018, công trình nghiên cứu này đã được trao giải A hạng mục Sách hay của Giải thưởng Sách quốc gia.

Tiếp nối mạch chủ đề này, bộ sách Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh dặm dài lịch sử (1698 - 2020) đã được xuất bản tập 1 năm 2021 viết về mảnh đất này thời gian 1698 đến 1945. Cuối năm nay, tập 2 viết về Sài Gòn - TP.HCM thời gian 1945 - 2020 sẽ ra mắt độc giả.

Đến nay, dù tuổi đời đã quá bách niên, nhà nghiên cứu quê đất Thanh Chương, Nghệ An hàng ngày vẫn dành 10 tiếng đồng hồ bên máy vi tính và sách vở để làm việc, miệt mài với những thông tin, số liệu nghiên cứu để viết tiếp những đề tài bản thân đang ấp ủ như Từ điển địa danh hành chính Bắc Bộ, Trung Bộ, Lịch sử thành lập và phát triển các tỉnh Bắc Bộ - Trung Bộ - Nam Bộ và Tây Nguyên và hồi ký cuộc đời.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm