Ngày 18-9, tại Học viện Cán bộ TP.HCM, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Thành ủy TP.HCM đã tổ chức lễ đón bằng công nhận Học viện Cán bộ TP.HCM đạt chuẩn mức 1.
Với kết quả này, Học viện Cán bộ TP trở thành trường chính trị đầu tiên trong khu vực phía Nam được công nhận đạt chuẩn mức 1, vượt một năm so với kế hoạch đề ra.
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, đã ghi nhận những thành tựu nổi bật của Học viện Cán bộ TP trong thời gian qua.
Theo GS Nguyễn Xuân Thắng, để thực hiện thành công Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị, Học viện Cán bộ TP cần tiếp tục xác định rõ sứ mệnh, tầm nhìn, mục tiêu phát triển, sớm đạt chuẩn mức 2 trong thời gian tới.
Trong đề án xây dựng trường đạt chuẩn mức 2, Học viện Cán bộ TP cần đặc biệt quan tâm đến những khâu then chốt, những điểm nghẽn về xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên; tăng cường nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, tư vấn chính sách, đóng góp vào quá trình xây dựng và thực thi chính sách của TP.
Phát biểu chỉ đạo, Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhìn nhận TP.HCM đang đứng trước thời cơ và thách thức mới khi nhận các nhiệm vụ được giao trong Nghị quyết 31, Kết luận 14 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 98 của Quốc hội.
Do đó nhiệm vụ của Học viện Cán bộ TP là nâng cao chất lượng xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh; xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, nhất là cán bộ chiến lược và cán bộ chủ chốt.
Đồng thời, xây dựng bộ máy chính quyền xứng tầm, đủ sức giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra ngày càng lớn, gắn với nền hành chính dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, toàn tâm, toàn ý phục vụ người dân.
“Hiện nay, đội ngũ cán bộ ngoài sự nỗ lực cố gắng chung thì có một bộ phận cán bộ, ở nơi này, nơi khác, đơn vị này, đơn vị khác có biểu hiện tránh né, ngại va chạm, không dám nghĩ, chưa dám làm. Điều này cũng có thể là thiếu tinh thần trách nhiệm. Vậy sứ mệnh của học viện là gì và cần tìm lời giải cho điều này, chứ không chỉ giảng dạy bình thường” – Bí thư Nguyễn Văn Nên đặt vấn đề.
Ông cũng đề nghị Học viện Cán bộ TP quan tâm chất lượng đào tạo, bồi dưỡng chức danh, vì đó là nhiệm vụ, sứ mệnh của trường, tránh chệch hướng ở vấn đề tự chủ tài chính.
“Tự chủ tài chính là một chuyện nhưng không vì tự chủ tài chính mà buộc các đồng chí phải chạy vạy” – Bí thư nói và đề nghị Học viện Cán bộ TP phải trở lại với mục tiêu, chức năng, sứ mệnh chính là là đào tạo đội ngũ cán bộ, không để bị chi phối bởi “cơm áo gạo tiền”.
Bí thư Thành uỷ TP Nguyễn Văn Nên cũng cho rằng không phải cứ ai làm lãnh đạo là nhớ đủ hết đức của làm người, nếu không tu dưỡng, rèn luyện thường xuyên sẽ quên, thậm chí sẽ bị vấp ngã ngay những điều căn bản được học từ cấp 1.
Theo ông, cán bộ phải lựa chọn lẽ sống vì mọi người, vì đất nước, vì danh sự, trách nhiệm, còn nếu cán bộ lựa chọn điều gì đó cho bản thân thì Học viện Cán bộ TP không giảng dạy. Như vậy, TP mới có đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu sứ mệnh, dẫn dắt đất nước phát triển.
Ông cũng đề nghị Học viện Cán bộ TP có cơ chế thực hiện kỷ yếu, cho cán bộ cam kết khi ra trường và giữ mối liên hệ đó để góp phần nhận xét, đánh giá cán bộ thường xuyên. Bởi hiện nay đánh giá cán bộ là khâu khó nhất khi đề bạt, bổ nhiệm.
Người đứng đầu Thành uỷ TP.HCM cho rằng xây dựng và phát triển Học viện Cán bộ TP ngang tầm nhiệm vụ trong giai đoạn mới là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Ông đề nghị các cơ quan, đơn vị tạo điều kiện để học viện hoàn thành sứ mệnh của mình.
Hội thi giảng viên chính trị dạy giỏi toàn quốc lần đầu tổ chức tại TP.HCM
Sáng cùng ngày, tại Học viện Cán bộ TP.HCM, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Thành ủy TP.HCM khai mạc Hội thi giảng viên dạy giỏi toàn quốc các trường chính trị tỉnh, TP trực thuộc trung ương lần thứ VIII – năm 2023.
Phát biểu khai mạc hội thi, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, cho biết hội thi này được tổ chức định kỳ hai lần/5 năm và đây là lần đầu tiên được tổ chức với quy mô toàn quốc, tập trung tại một địa điểm là Học viện Cán bộ TP.
Hội thi có sự tham gia của 130 giảng viên tiêu biểu toàn quốc và sẽ diễn ra từ ngày 18-9 đến ngày 20-9.
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng khẳng định kết quả của hội thi không chỉ là việc lựa chọn, công nhận giảng viên dạy giỏi, mà còn là cơ sở khẳng định thành tích, kinh nghiệm trong tổ chức quản lý hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
“Qua đánh giá, phát hiện được các giảng viên tiêu biểu, triển vọng để có thể xem xét sắp xếp, bố trí, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý” - GS Thắng nói.
Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhìn nhận hội thi là sự hội tụ để tìm kiếm tài năng trong những người truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm, góp phần quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, lãnh đạo các cấp cho hiện tại và tương lai.
Ông cho rằng nghề giáo đã khó, giảng viên lý luận chính trị càng khó hơn. Để trở thành một giảng viên xuất sắc thì không chỉ có lòng yêu nghề, tâm huyết với nghề mà còn là tấm gương trong cuộc sống, lao động, học tập, nghiên cứu, rèn luyện công phu và nghiêm túc.
Bí thư TP.HCM cho rằng thành tích của đội ngũ thầy cô giảng dạy lý luận chính trị nằm trong thành tích chung của đội ngũ cán bộ và những giá trị ấy không thể cân, đong, đo, đếm hết được.
Theo ông Nên, cuộc thi nào rồi cũng sẽ kết thúc, cũng sẽ xếp hạng cao - thấp, nhưng quan trọng hơn hết là điều gì đọng lại. Mỗi người học được điều gì để bổ sung vào hành trang của mình trong bước đường đi tới. Lãnh đạo địa phương, trường chính trị sẽ rút ra được bài học trong quá trình lãnh đạo, quản lý.