Bị xử thêm vụ án thứ 3, Tề Trí Dũng 'cộng dồn án' tối đa bao nhiêu năm tù?

(PLO)- Trong vụ án thứ 3, Tề Trí Dũng chỉ bị xét xử ở trong khung hình phạt tù có thời hạn; vì vậy, khi tổng hợp hình phạt, bị cáo này chỉ phải chấp hành cao nhất 30 năm tù.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 19-9, TAND TP.HCM mở phiên xử sơ thẩm vụ Tề Trí Dũng (sinh năm 1981, cựu tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận - IPC) về tội vi phạm về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Đây là vụ sai phạm thứ ba mà Dũng hầu tòa, có hai luật sư bào chữa. Cùng hầu tòa có Hồ Thị Thanh Phúc (nguyên tổng giám đốc SADECO); Vũ Xuân Đức, Trần Đăng Linh (cùng là cựu phó tổng giám đốc Công ty IPC) và ba người khác bị truy tố cùng tội danh theo khoản 3 Điều 219 BLHS có khung hình phạt 10-20 năm tù.

Các bị cáo tại phiên tòa ngày 19-9. Ảnh: HOÀNG YẾN

Các bị cáo tại phiên tòa ngày 19-9. Ảnh: HOÀNG YẾN

Gây thiệt hại 127 tỉ đồng

Phiên tòa dự kiến diễn ra trong hai ngày. Hơn 12 đơn vị, cá nhân được triệu tập đến phiên xử, trong đó có Sở KH&ĐT và Sở Xây dựng TP.HCM.

Cáo trạng nêu dự án khu định cư An Phú Tây có diện tích gần 47 ha, được UBND TP.HCM giao cho Công ty CP Phát triển Nam Sài Gòn (SADECO, công ty con của IPC) làm chủ đầu tư năm 2001.

Tháng 6-2008, IPC và SADECO ký hợp đồng với nội dung IPC góp vốn với SADECO để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và nhận lại nền đất tại dự án An Phú Tây, tổng giá trị hợp đồng gần 215 tỉ đồng.

Ngày 18-5-2016, ông Dũng ký tờ trình gửi HĐTV IPC đề nghị thông qua chủ trương giá bán sỉ đối với các nền đất tại dự án An Phú Tây và được chấp thuận.

Sau khi có nghị quyết của HĐTV IPC, lãnh đạo SADECO lập tờ trình xin ý kiến lãnh đạo IPC, đề xuất chuyển nhượng 35 nền đất với đơn giá 7 triệu đồng/m2 cho nhiều cá nhân và được ký duyệt. Trong khi thực tế thời điểm đó, thông báo giá của SADECO đang bán các nền đất tại dự án An Phú Tây với đơn giá thấp nhất 8,16 triệu đồng/m2, cao nhất 16,8 triệu đồng/m2.

Đến năm 2018, IPC tiếp tục chuyển nhượng 50 nền đất cho nhiều cá nhân với đơn giá 8,25 triệu đồng/m2 và 8,8 triệu đồng/m2

Cơ quan tố tụng xác định có đến 149 nền đất được IPC nhận chuyển nhượng bằng nguồn tiền của IPC, do đó số lượng đất nền này được xác định là tài sản của Nhà nước.

Bị cáo Dũng cùng cấp dưới đã cố tình thực hiện các thủ tục chuyển nhượng 149 nền đất nêu trên cho các cá nhân với giá rẻ hơn giá thị trường và giá rẻ hơn giá SADECO đang kinh doanh, mặc dù có cùng loại nền và cùng dự án An Phú Tây. IPC chuyển nhượng các nền đất cũng đã được Kiểm toán Nhà nước xác định không đạt hiệu quả kinh tế, bán giá thấp hơn thị trường, gây thiệt hại hơn 127 tỉ đồng.

Hứa khắc phục hậu quả

Tại phiên xử, bị cáo Dũng mong HĐXX giảm trừ trách nhiệm cho bị cáo và các đồng phạm về phần dân sự. Theo bị cáo, hiện còn sáu nền chưa chuyển nhượng, IPC đã thu hồi cùng số tiền bản thân đã nộp khắc phục hậu quả tương đương giá trị 25 tỉ đồng.

Còn các bị cáo khác đều thừa nhận hành vi, chỉ xin xem xét động cơ, mục đích, vai trò, thành tích của từng cá nhân.

Cáo trạng cáo buộc bị cáo Tề Trí Dũng cùng cấp dưới đã cố tình thực hiện chuyển nhượng 149 đất nền với giá rẻ hơn thị trường, gây thiệt hại hơn 127 tỉ đồng.

Cụ thể, bị cáo Vũ Xuân Đức (cựu thành viên HĐTV IPC) khai: Đối với dự án An Phú Tây thì bị cáo tham gia bằng việc trình các chủ trương, phương án, giá để trình ban giám đốc. Bị cáo Đức thừa nhận mình ký các tờ trình để trình ban giám đốc; về thiệt hại trong vụ án, bị cáo nói không oan, sai, thấy bản thân thiếu trách nhiệm.

Bị cáo Mai Văn Đường (cựu chủ tịch HĐTV IPC) khai có hai biểu quyết gửi qua thư tín về chủ trương, giá bán và việc ra nghị quyết là HĐTV. Bị cáo không bị ai chỉ đạo, dựa trên hai chứng thư thẩm định giá để đưa ra biểu quyết. Theo bị cáo, chuyển nhượng phải đảm bảo theo đúng giá thị trường. Bị cáo không biết về việc SADECO đưa ra giá bán. Sau này mới biết giá chuyển nhượng thấp hơn, gây thiệt hại cho Nhà nước. Lúc chuyển nhượng bị cáo đã về hưu và không tham gia. Về thiệt hại vụ án, bị cáo này không ý kiến. Bị cáo không bị oan sai và thừa nhận do năng lực yếu kém của mình nên mình phải có trách nhiệm.

Bị cáo Mai Bửu Tâm (cựu chuyên viên Phòng phát triển kinh doanh IPC) nói làm việc với hai công ty thẩm định giá. Khi có chứng thư thì bị cáo có trình một số giấy tờ cho bị cáo Phúc. Cụ thể, trình chủ trương giá, bị cáo nghĩ mức giá 7 triệu đồng/m2 là phù hợp với thị trường. Bị cáo không điều chỉnh giá thấp so với thị trường, làm việc theo chỉ đạo. Đối với việc bán đất, bị cáo không tham gia.

Hai cấp trên là Dũng, Phúc cũng cho rằng mình không oan, sai. Ông Dũng ngoài thừa nhận sai sót còn hứa sẽ tác động gia đình khắc phục hậu quả. Bị cáo Phúc thừa nhận có lỗi trong hành vi và sẽ khắc phục…

Hôm nay (20-9), phiên xử sẽ tiếp tục với phần tranh luận.

Tổng hợp hình phạt ba bản án với Tề Trí Dũng thế nào?

Tháng 6 vừa qua, TAND Cấp cao tại TP.HCM tuyên phạt bị cáo Dũng 19 năm tù về tội tham ô tài sản và vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Đó là vụ bán rẻ 9 triệu cổ phần của SADECO cho Công ty Nguyễn Kim, gây thất thoát 669 tỉ đồng và tham ô 4,6 tỉ đồng.

Ngày 16-9, TAND TP.HCM xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Dũng 15 năm tù về tội tham ô tài sản. HĐXX tổng hợp hình phạt 19 năm tù trên, buộc bị cáo Dũng phải chấp hành hình phạt chung là 30 năm tù. Tuy nhiên, bản án này chưa có hiệu lực pháp luật vì chưa hết thời gian kháng cáo, kháng nghị theo quy định.

Trong vụ án thứ ba mà tòa đang xử, bị cáo Dũng bị xét xử ở khung hình phạt đến 20 năm tù. Do đó, khả năng Dũng bị xử phạt từ 20 năm tù trở xuống.

Điều 55 và 56 BLHS quy định về việc tổng hợp hình phạt chung không được vượt quá 30 năm đối với hình phạt tù có thời hạn. Theo nguyên tắc đó, dù ông Dũng bị tuyên phạt bao nhiêu năm ở bản án thứ ba thì mức án ông Dũng phải chấp hành chung cũng chỉ là 30 năm tù.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm