Bị cáo Tề Trí Dũng nhận tội, Tất Thành Cang kêu oan

 Video: Bị cáo Tề Trí Dũng nhận tội, Tất Thành Cang kêu oan

Ngày 5-1, TAND TP.HCM tiếp phần bào chữa vụ án Tất Thành Cang (cựu phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM) cùng đồng phạm sai phạm tại Công ty cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn (SADECO).

VKS luận tội ông Cang có vai trò quan trọng nhất và khai báo quanh co, không thừa nhận hành vi sai phạm; từ đó đề nghị mức án 12-14 năm tù về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát, lãng phí.

Bị cáo Tề Trí Dũng (trái) và bị cáo Tất Thành Cang tại tòa. Ảnh: HY

Bào chữa, luật sư cho rằng ông Cang không phải chủ thể của tội trên. Chủ thể của tội này phải là người được giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước nhưng ở đây người được giao quản lý vốn của Đảng bộ TP tại SADECO là Văn phòng Thành ủy.

Theo luật sư, người đại diện phần vốn góp của Thành ủy tại SADECO đã không trung thực và gian dối sử dụng tờ trình 13 làm căn cứ biểu quyết thông qua việc chuyển nhượng cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim với giá 40.000 đồng/cổ phần. Ông Cang không biết có tờ trình này. Việc ông Cang chỉ đồng ý về chủ trương là phù hợp với chức trách của mình.

Luật sư cũng không đồng tình kết luận ông Cang là người có quyết định cuối cùng trong việc bán cổ phần vì trước thời điểm 16-5-2017, bị cáo Cang không tham gia thảo luận bất cứ kế hoạch hoạt động nào của SADECO.

Ông Tề Trí Dũng (cựu chủ tịch HĐQT Công ty SADECO) khai rằng ông Cang mở lời kêu tạo điều kiện cho Nguyễn Kim trở thành cổ đông chiến lược, tuy nhiên lời khai này là không đúng vì ông Cang đã phủ nhận; đồng thời tháng 11-2016, ông Cang được cử đi học, không ở nhà nên không có chuyện gặp mặt Dũng...

Quá trình điều tra, ông Cang luôn hợp tác để giúp làm rõ hành vi giả mạo việc sử dụng tờ trình không được thông qua, chứ không “quanh co, chối tội”. Luật sư đề nghị HĐXX tuyên ông Cang không phạm tội. 

Tự bào chữa, ông Cang chỉ nói ngắn gọn lời khai bị cáo Dũng là không đúng. Đồng thời, ông không đồng ý việc cáo buộc mình chỉ đạo trong vụ án này.

Với bị cáo Dũng, VKS đề nghị 20-22 năm tù về hai tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát, lãng phí và tham ô tài sản. Luật sư của bị cáo Dũng cho rằng VKS chưa ghi nhận một số chứng cứ khi luận tội liên quan đến hành vi bán rẻ 9 triệu cổ phần.

Luật sư lập luận phần vốn IPC đầu tư vào SADECO không phải vốn nhà nước mà là vốn của doanh nghiệp nhà nước (IPC) đầu tư vào doanh nghiệp khác. Theo luật sư, từ ngày 26-3-2015, SADECO có quyền tự quyết. Do kinh doanh bất động sản, cần vốn rất lớn nên nhóm lãnh đạo doanh nghiệp thông qua phương án chào bán thêm cổ phần cho cổ đông chiến lược.

Tại đề xuất gửi cơ quan có thẩm quyền, IPC trình bày rõ ràng ưu, nhược điểm của phương án trên cũng như giá trị mỗi cổ phần. Tức là đã báo cáo công khai mọi thông tin, không hề giấu kết quả định giá cổ phần. Cạnh đó, luật sư đề nghị xem xét lại thiệt hại trong vụ án.

Bất ngờ, bị cáo Dũng ngắt lời luật sư rằng bị cáo tôn trọng kết luận của cơ quan tố tụng về sai phạm bán rẻ 9 triệu cổ phần SADECO, đề nghị luật sư không tranh tụng các vấn đề về hành vi này vì không cần thiết mà tập trung tranh tụng về tình tiết giảm nhẹ.

Tự bào chữa, ông Dũng nhận tội, chỉ mong được xem xét thêm.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm