Ngày anh Tấn Tân bắt đầu mở nhà hàng và bán bia cao cấp nhập khẩu 10 năm trước, nhân viên của anh lo lắng cả tháng chưa chắc đã bán được một thùng. Nhưng rồi mọi việc quá suôn sẻ và theo thời gian thì từ một nhà hàng ông đã mở rộng ra cả chuỗi nhà hàng. Giờ thì ngày nào các nhà hàng của ông cũng dập dìu khách đến uống bia, chủ yếu bia nhập từ Ấn Độ và từ các nước châu Âu. Căn hộ của anh cũng được trang trí với trên 6.000 chai bia từ hơn 60 nước.
Đáp ứng sự ngon miệng và sành điệu
NbeerPub, một trong những nhà hàng của anh Tấn dù nằm tách biệt trong một khu phố cổ ở Bắc Kinh nhưng luôn rộn ràng khách khứa. Họ chủ yếu là những thanh niên Trung Quốc (TQ), thức uống họ gọi chủ yếu là các loại bia nhập khẩu như Delirium Tremens, Lindemans Framboise của Bỉ, Brewdog Punk IPA của Scotland. Tại đây anh Tấn còn bán cả bia Brewmeister Snake Venom cũng của Scotland – một trong những loại bia mạnh nhất thế giới, nồng độ cồn tới 65% với giá khoảng 2.700 nhân dân tệ (khoảng 9,3 triệu đồng VN) một chai.
Nhà hàng Jing-A Brewing ở Bắc Kinh chuyên phục vụ các loại bia Mỹ như Worker’s Pale Ale, Airpocalypse Double IPA, Mandarin Wheat.
Khách uống bia tại nhà hàng Jing-A Brewing. (Ảnh: NEW YORK TIMES)
Một khách hàng ở đây, anh Ký Trần - giám đốc một ngân hàng cho biết anh có sở thích uống bia ngoại từ những ngày du học ở Belgium (Bỉ). “Tôi không nghĩ nó đắt. Nếu đã đi uống ở nhà hàng thì thức uống nào cũng có giá cao hết, giá bia ngoại ở đây vậy là hợp lý.”
Tại siêu thị Heaven Supermarket, cô Trần Kinh và bạn trai chọn mua vài chai bia ngoại với giá 50 nhân dân tệ/chai (gần 180 nghìn đồng) mà không để ý gì đến nhãn hàng bia Snow của TQ bên cạnh chỉ có giá chưa tới 2 nhân dân tệ/chai (7.000 đồng).
Các nhãn bia Hoegaarden, Corona, Budweiser cũng được bán ở đây với giá 15 nhân dân tệ/chai (hơn 50.000 đồng). Cũng có loại bia ngoại có giá tới 100 nhân dân tệ/chai (330.000 đồng).
Cô Trần cho biết cô bắt đầu uống bia nhập khẩu từ sau khi đi du lịch về. Giờ cô muốn tìm hiểu bia Bỉ vì đang có kế hoạch sẽ đi du lịch ở Bỉ. “Tôi thà bỏ tiền mua ít bia chất lượng cao còn hơn mua nhiều bia rẻ tiền kém chất lượng chỉ để tọng cho no bụng rồi đau đầu dữ dội vào hôm sau. Đây không chỉ là uống bia mà còn là cách sống.”
Theo nhận định của anh Tấn thì khi người TQ ngày càng dư dả, tiền bạc rủng rỉnh thì cái họ quan tâm đầu tiên trong chọn bia để uống là sự ngon miệng và sành điệu nó mang lại. Điều này thể hiện rõ nhất ở giới trẻ thuộc tầng lớp trung lưu TQ. Họ trẻ, học vấn cao, kiếm tiền tốt và thích chi tiền vào những nhãn hiệu ngoại để thử những điều mới lạ.
Một buổi tối cuối tuần tại nhà hàng Jing-A Brewing. (Ảnh: NEW YORK TIMES)
Giá bán bia nhập khẩu ở TQ dù có cao hơn bia sản xuất trong nước cũng không đến nỗi không chấp nhận được, ít nhất đối với bộ phận người trẻ thích tiêu tiền.
Hãng bia Anheuser-Busch InBev (Bỉ) đã có tầm nhìn xa khi chi hơn 106 tỉ USD mua lại hãng bia đối thủ SABMiller (Anh). Bỏ qua việc các thị trường ở châu Âu và Mỹ có đang trì trệ vì kinh tế không khởi sắc, Anheuser-Busch InBev đã nhắm tới thị trường rộng lớn của các nước đang phát triển, đặc biệt thị trường TQ. Nhập khẩu bia ở TQ đã tăng từ 335 triệu nhân dân tệ năm 2009 lên 1,4 tỉ nhân dân tệ năm 2013 (tương đương 220 triệu USD).
Chiến lược quảng cáo bài bản
Tại TQ, bia của hai hãng Anheuser-Busch InBev và SABMiller chiếm thị phần lớn nhất. Hai hãng này là một trong số những công ty quốc tế vào TQ từ thập kỷ 1990 và sau đó liên doanh với các hãng bia TQ. Thời điểm đó, chất lượng bia của các hãng trong nước sản xuất không ổn định, nhưng sau khi bắt tay với các hãng bia nước ngoài thì chất lượng bia được nâng cao hẳn, doanh thu tăng vọt.
SABMiller hiện giữ 49% cổ phần trong hãng bia Snow – nhãn bia bán chạy nhất Trung QuốcTQ hiện nay. Anheuser-Busch InBev cũng mua lại cổ phần của hai hãng bia thuộc top đầu khác của TQ là Harbin và Sedrin.
Hơn 30% doanh số của Snow (đã liên doanh với SABMiller) hiện nay là từ phân khúc bia cao cấp, đó là các nhãn bia Snow Draft, Snow Brave the World. Thị phần bia cao cấp của Anheuser-Busch InBev – gồm các nhãn bia Budweiser, Corona, Stella Artois, Hoegaarden – chiếm gần ¼ tổng lượng bia bán ra của hãng này tại TQ. Ước tính, các hãng bia ngoại đang nắm giữ 1/3 thị trường bia TQ.
Khách hàng hứng thú tự rót bia tại nhà hàng Jing-A Brewing. (Ảnh: NEW YORK TIMES)
Để thu hút khách hàng, Anheuser-Busch InBev và SABMiller thực hiện nhiều chiến lược quảng cáo ấn tượng. Khi ra mắt nhãn bia Budweiser Supreme, Anheuser-Busch InBev đã tung ra khắp TQ một đoạn video giới thiệu nguyên do loại bia này ra đời và công thức làm ra nó.
Một quảng cáo khác đưa hình ảnh bia Budweiser Supreme được người phục vụ mang đôi găng tay trắng rót cẩn thận ra ly cho khách. Không lâu sau đó, tại các quán bia khắp TQ xuất hiện các cô gái trẻ mặc áo có logo Budweiser, mang găng tay và giày bốt trắng tươi cười phục vụ khách hàng.
Theo nhà phân tích đồ uống Jonny Forsyth tại công ty nghiên cứu thị trường Mintel (Anh), Anheuser-Busch InBev đã chi rất nhiều tiền cho các chiến lược quảng cáo và kết quả là người tiêu dùng TQ ngày càng tìm đến bia của hãng này nhiều hơn, sẵn lòng chi nhiều tiền hơn để uống bia ngoại để có được cảm giác sành điệu. Đây là điều người trẻ TQ cần và các hãng bia TQ không làm được.
Một điều thú vị là bên cạnh ưa chuộng các loại bia nhập khẩu, người TQ cũng dành vị trí khá ưu ái cho các loại bia sản xuất thủ công trong nước. Bia sản xuất thủ công có mặt khắp TQ. Chỉ riêng ở Bắc Kinh đã có gần 10 cơ sở.