Trước việc Trung Quốc (TQ) ngày 18-4 thông báo thành lập cái gọi là quận Tây Sa (tức quần đảo Hoàng Sa) và quận Nam Sa (tức quần đảo Trường Sa) tại thành phố Tam Sa, GS James Kraska (ảnh), chuyên gia luật hàng hải quốc tế tại Trung tâm Luật quốc tế Stockton (ĐH Hải chiến Mỹ), nhận định: TQ xem thường cam kết của họ với thế giới. Vì vậy, TQ sẽ vấp phải phản kháng của một tập thể gồm nhiều quốc gia cùng chia sẻ giá trị thượng tôn pháp luật.
TQ xem thường cam kết của chính mình
. Phóng viên: Ông có nhận định như thế nào về ý đồ của Bắc Kinh khi thành lập các đơn vị quản lý hành chính mới ở biển Đông, bao gồm cái mà TQ gọi mà quận Tây Sa và Nam Sa, trực thuộc TP Tam Sa?
+ GS James Kraska: Tôi nghĩ chính quyền Bắc Kinh muốn khẳng định cái gọi là TP Tam Sa hiện đã chiếm hữu diện tích hơn 2 triệu km2, tức là thành phố lớn nhất trên Trái đất và lớn hơn cả diện tích của nhiều quốc gia. Trên thực tế, việc bất kỳ quốc gia ven biển nào tuyên bố chủ quyền (hoàn toàn và đầy đủ) đối với vùng biển rộng quá 12 hải lý (tính từ đường cơ sở) đều là bất hợp pháp. Vì vậy, hành động lần này của TQ càng chứng minh nước này xem thường các cam kết của chính họ đối với các quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 mà TQ đã ký.
. Ông có cho rằng Bắc Kinh đang lợi dụng đại dịch COVID-19 để thúc đẩy lợi ích đơn phương của họ ở vùng biển này?
+ TQ có lịch sử tận dụng các cuộc khủng hoảng để chiếm hữu các lợi thế phục vụ những ý đồ chiến lược của họ. Chẳng hạn, trong giai đoạn chiến tranh Việt Nam (VN) kết thúc năm 1974, TQ đã tấn công và chiếm đoạt trái phép quần đảo Hoàng Sa của VN. Tương tự như vậy, sau khi Philippines yêu cầu các lực lượng đồn trú của Mỹ ở vịnh Subic và căn cứ lực lượng không quân Clark đóng cửa vào đầu những năm 1990, TQ đã chớp thời cơ chiếm giữ đá Vành Khăn từ sự kiểm soát của Philippines (vào đầu năm 1995).
Như vậy, chúng ta có thể đoán được rằng TQ sẽ chớp lấy cơ hội để tăng cường sự kiểm soát của họ tại khu vực trong bối cảnh các quốc gia khác đang bị chi phối bởi đại dịch COVID-19, vốn xuất phát từ TP Vũ Hán, TQ.
Các nước hợp tác chống bá quyền
. Có ý kiến cho rằng áp lực từ công luận, trong đó có chỉ trích từ những cường quốc như Mỹ, không thể ngăn cản TQ gia tăng hành vi gây rối. Ông nghĩ sao?
+ Vẫn phải chờ để có thể biết liệu các nước khu vực (biển Đông), cùng với sự giúp sức từ các nước bên ngoài, có thể chống lại TQ hay không. Trong đó bao gồm việc chống lại TQ lấn chiếm vào các vùng biển chủ quyền, cũng như xâm phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của các nước láng giềng ở biển Đông.
Các chiến thuật cưỡng bức và chiến lược đe dọa của TQ đã và đang thúc đẩy sự hợp tác ngày càng lớn giữa các quốc gia nhỏ, vừa cùng với các cường quốc. Liên quan đến vấn đề này, có thể thấy sự hiện diện của các lực lượng hải quân Mỹ, Nhật Bản, Úc, Ấn Độ và thậm chí là Nga và các thành viên khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ vô cùng hữu ích. Bởi lẽ điều đó có thể nâng cao năng lực đối kháng của các quốc gia trong khu vực (trước TQ), đồng thời đảm bảo rằng TQ sẽ biết cái giá mà họ phải trả nếu có những tính toán sai lầm.
Các lực lượng dân quân biển TQ thường xuyên xâm phạm ở biển Đông và đe dọa các nước. Ảnh minh họa: AFP
Lý thuyết về chủ nghĩa hiện thực sẽ nói với chúng ta rằng các quốc gia (dù lớn dù nhỏ, dù mạnh dù yếu) sẽ hợp tác để đối trọng lại sự đe dọa từ phía TQ và những gì đã và đang diễn ra trên thực tế đã chứng minh điều này đúng. Câu hỏi đặt ra là liệu việc gia tăng hợp tác có đủ để khắc chế được sự gia tăng lợi thế của TQ hay không. Chính vì vậy, để đảm bảo được lợi ích của mình, VN (cũng như của các quốc gia khác ở biển Đông) cần tiếp tục xây dựng các cầu nối thúc đẩy hợp tác kinh tế, chính trị với các nước láng giềng và ngoài khu vực.
. Ngoài lập các đơn vị hành chính mới, TQ còn để cảnh sát biển và các lực lượng liên quan của họ (như hải quân, dân quân biển) cản trở tự do hàng hải, đe dọa tàu, máy bay nước ngoài. Phải chăng TQ đang thắng thế trong việc âm thầm chiếm lấy biển Đông?
+ Mỹ và các nước khác đã công khai thách thức việc TQ lén lút sử dụng các lực lượng dân quân biển (tàu cá nhưng có trang bị vũ trang) để phục vụ như những lực lượng quân sự (chính quy) trên biển. Những lực lượng này bị xem là một phần của lực lượng hải quân - Quân Giải phóng nhân dân TQ nếu có xảy ra bất kỳ cuộc xung đột vũ trang nào trong tương lai. Việc lạm dụng các lực lượng dân sự vào các hoạt động quân sự cũng đồng nghĩa rằng họ sẽ mất quyền được bảo vệ và có thể trở thành mục tiêu bị tấn công trong những cuộc xung đột vũ trang.
Tuy TQ đã sử dụng các lực lượng dân quân biển có vẻ hiệu quả trong việc đe dọa và bắt nạt các nước nhưng hiện nay các quốc gia từ Ấn Độ đến Palau (một đảo quốc ở Tây Thái Bình Dương) đã quen thuộc với các hình thức hoạt động của các lực lượng này. Các nước trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nên phát triển các lực lượng hàng hải để thực thi pháp luật dân sự và thương mại để chống lại sự xâm phạm của TQ, đồng thời kết nối với các quốc gia có cùng chí hướng, gồm Nhật Bản, Úc, Ấn Độ, thậm chí là NATO và Nga, để buộc TQ phải hiểu rằng khu vực biển Đông không phải chịu sự thống trị của họ.
Giải pháp cho Việt Nam
. Ông có thêm lời khuyên gì cho VN, đặc biệt trong vai trò chủ tịch ASEAN và thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc năm 2020, để ứng phó sức ép từ TQ?
+ VN đang đối mặt với những lựa chọn khó khăn về mặt ngoại giao; phải cân bằng đường lối nghị sự, vốn thách thức và hàm chứa những hoạt động nguy hiểm của TQ, đồng thời tránh xa những động thái khiêu khích có thể làm gia tăng thêm sự gây hấn từ Bắc Kinh. Trong bối cảnh đó, VN, cũng giống như Mỹ và các nước châu Âu, được kêu gọi đứng lên chống lại sự hung hăng của TQ, song song đó xây dựng sự ổn định tại khu vực. Để làm được điều này, VN phải nỗ lực hết mình để gia tăng hiểu biết chung về các mối đe dọa do TQ tạo ra, cả ở cấp độ khu vực như hợp tác với Indonesia hay cấp độ ngoại vi như với Mỹ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ.
Các nước ở châu Âu và Nga chỉ mới bắt đầu hiểu được những thách thức đối với trật tự khu vực, vì thế VN có thể tăng cường các nỗ lực nhằm đảm bảo các quốc gia này hiểu rõ hơn nữa các mối đe dọa mà TQ gây ra. Đối với ASEAN và Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, VN có thể nỗ lực nhằm gia tăng tính minh bạch giữa các quốc gia khu vực biển Đông, bao gồm: Hoạt động tuần tra chung giám sát đánh bắt cá; các phái đoàn với nhiệm vụ tìm ra sự thật (những gì diễn ra ở biển Đông); nhấn mạnh sự đoàn kết và tự chủ giữa các nước trong khu vực chống lại thế lực bá quyền. Tôi nghĩ các cuộc tuần tra tự thực thi luật pháp và tự do hàng hải chung giữa các nước ASEAN sẽ là một khởi đầu rất cần thiết (để các nước giải quyết khó khăn do TQ tạo ra).
Mỹ cần hành động như thế nào? . TQ đang đe dọa trật tự do Mỹ lãnh đạo tại biển Đông. Washington cần làm gì để đảm bảo biển Đông tự do và cởi mở như cam kết? + Đây là một vấn đề thuộc về phạm trù năng lực và ý chí. Trước tiên, Mỹ cùng với các nước đồng minh và đối tác cần mở rộng cơ cấu lực lượng và phát triển các năng lực ưu việt của họ để ngăn cản TQ. Những nỗ lực này bao gồm: Các trang thiết bị và nguồn lực ngoài vũ trụ; năng lực tác chiến trên không gian mạng; vũ khí và hệ thống phòng thủ siêu thanh; trí tuệ nhân tạo đi cùng hệ thống tự hành (tức là một cỗ máy, phần cứng hoặc phần mềm, mà khi được kích hoạt sẽ tự thực hiện một số nhiệm vụ hoặc tự hoạt động) và các công nghệ chiến tranh dưới biển. Ngoài ra, Mỹ phải thể hiện ý chí chống lại bá quyền TQ, đồng thời tăng cường hành động chung với các quốc gia đồng minh và đối tác tại khu vực cũng như trong phạm vi toàn cầu. |