Nói về Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, một số chuyên gia quốc tế bên cạnh việc khẳng định giá trị to lớn của công ước này, cũng thừa nhận rằng khác với luật pháp quốc gia, luật quốc tế hiện vẫn thiếu lực lượng “cảnh sát” để thực thi công lý.
UNCLOS quy định các vấn đề về phân định vùng biển của các quốc gia và vùng biển quốc tế, quy chế pháp lý của các vùng biển, quản lý môi trường, tài nguyên trong các vùng biển quốc gia và vùng biển quốc tế. Công ước này cũng điều chỉnh mối quan hệ giữa các nước trong các vấn đề tài nguyên, môi trường xuyên biên giới như vấn đề các đàn cá di cư, vấn đề ô nhiễm môi trường xuyên biên giới; quy định các quy chế và thủ tục giải quyết các tranh chấp giữa các quốc gia thành viên, hoặc giữa một hoặc nhiều quốc gia thành viên và các thành viên khác (như các thành viên là tổ chức quốc tế) liên quan tới giải thích và áp dụng các quy định trong công ước.
Suốt 40 năm qua, bản “hiến pháp về biển và đại dương” được thế giới, ngay cả nhiều nước chưa phê duyệt công ước, thừa nhận rộng rãi về vai trò, ý nghĩa, giá trị không thể chối cãi, không thể đảo ngược. Công ước cũng góp phần vào việchóa giải nhiều mâu thuẫn, đứng về lẽ phải và công bằng với các quốc gia (dù là nước lớn hay nước nhỏ, nước mạnh hay nước yếu); giúp các nước tự tin hơn trong việc quản lý vùng biển mà họ có quyền chủ quyền và quyền tài phán.
Thế nhưng, phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016 vụ kiện của Philippines cho thấy việc thực thi UNCLOS vẫn còn khó khăn, thách thức. Nếu như ở môi trường quốc gia, phán quyết của tòa có thể được các lực lượng thi hành án (hoặc lực lượng cưỡng chế) đảm bảo thực hiện thì ở môi trường quốc tế - vốn có tính chất khó cưỡng chế dù có những thể chế đa phương như Liên Hợp Quốc - việc yêu cầu các cường quốc thực thi các quy định luật pháp quốc tế như UNCLOS là khó khăn.
Các chuyên gia ví von cần “cảnh sát” thực thi UNCLOS là vì lẽ đó. Ở đây, “cảnh sát” cần được nhìn từ lăng kính phù hợp với môi trường quốc tế vốn rất khó áp đặt nghĩa vụ với các nước, nhất là nước lớn. Cụ thể, kiên trì đàm phán luôn là ưu tiên hàng đầu, là giải pháp để các bên có thể ngồi lại giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình. Thứ hai, dư luận quốc tế là tác nhân rất quan trọng vì có thể gây áp lực lên hình ảnh, uy tín, trách nhiệm, tính chính danh của các nước lớn. Một sự đồng thuận của rất nhiều quốc gia về giá trị phán quyết của Tòa Trọng tài sẽ khiến các nước lớn là “bị đơn” và “thua kiện” phải suy nghĩ, hành động thận trọng.
Sự đồng thuận ấy cũng mở đường cho hợp tác quốc tế giữa các quốc gia có chung thế giới quan, cùng lập trường “thượng tôn pháp luật” để tạo ra sức mạnh về kinh tế, an ninh. Hệ lụy của những quốc gia “ngược hướng, khác dòng” chính là sự cô lập, quay lưng của cộng đồng quốc tế. Đó là áp lực buộc tất cả các nước, dù lớn hay nhỏ - mạnh hay yếu, đều phải hướng đến UNCLOS nói riêng và luật pháp quốc tế nói chung, vốn là giá trị văn minh mà nhân loại tạo ra.