Hàng loạt nước và dư luận quốc tế đồng lòng lên tiếng phản đối cái mà Trung Quốc (TQ) gọi là “bản đồ tiêu chuẩn” năm 2023, trong đó có đường lưỡi bò (hay còn gọi là “đường chín đoạn”, “đường 10 đoạn”) phi pháp. Đây là nước cờ không hề mới trên bàn cờ mà TQ đang dày công “đưa từng con tốt qua sông”, đi từng bước nhỏ, gặm nhấm từng chút hòng biến Biển Đông thành “sân sau”, “ao nhà” của mình.
Nước cờ nhỏ trên bàn cờ lớn
Cái gọi là “bản đồ tiêu chuẩn” thực chất chỉ là một cụm từ hoa mỹ để TQ làm đẹp cho yêu sách phi pháp của họ. “Bản đồ tiêu chuẩn” là gì? Phải khẳng định từ đầu “bản đồ” ở đây là do TQ tự vẽ theo mưu đồ của họ và “tiêu chuẩn” ở đây cũng là thứ tiêu chuẩn do chính phía Bắc Kinh đề ra, đơn phương chấp nhận rồi công bố.
Cái mà TQ bây giờ gọi là “bản đồ tiêu chuẩn” có chứa đường lưỡi bò, thực chất vẫn là tham vọng độc chiếm “tứ sa”, bao gồm Đông Sa (đảo đá Pratas), Tây Sa (quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (VN)), Nam Sa (quần đảo Trường Sa của VN) và Trung Sa (bãi ngầm Macclesfield), tức là gần như ôm trọn Biển Đông. Theo nhà nghiên cứu người Anh Bill Hayton, từ một tấm bản đồ bị một nhà địa lý người TQ vẽ sai và sau đó được TQ phát hiện năm 1947, Bắc Kinh lại xem đó là yêu sách của họ và ra sức theo đuổi.
Vậy là Bắc Kinh cố tình “biến cái sai thành cái đúng”, dùng bản đồ bị lỗi trở thành bản đồ chính thức ra mắt Liên hợp quốc (LHQ) năm 2009. Đó cũng chính là “bàn cờ lớn” mà TQ đang tiến hành bằng từng nước cờ, “bản đồ tiêu chuẩn” là ví dụ điển hình mới nhất.
TQ không ngừng tô vẽ, làm đẹp cho yêu sách phi pháp bằng những cái tên được nước này “chuẩn hóa” dần như “Nam hải chư đảo” (Nanhai Zhudao), “huyện Tây Sa” (thực chất là quần đảo Hoàng Sa của VN) và “huyện Nam Sa” (thực chất là quần đảo Trường Sa của VN) tại địa phận mà TQ ngang nhiên gọi là “TP Tam Sa”; đặt “tên tiêu chuẩn” cho hàng chục thực thể ở Biển Đông và mới đây lại thêm “bản đồ tiêu chuẩn”.
Ngoài ra, TQ từng bước dùng nhiều biện pháp (không loại trừ đe dọa, gây hấn) để lấn chiếm theo phương pháp “tằm ăn dâu”, rồi quân sự lẫn dân sự hóa các khu vực mà nước này chiếm được. Các chương trình du lịch, phát triển nông nghiệp, xây dựng các khu hành chính, thiết lập các tiền đồn gồm nhiều trang thiết bị quân sự, xây dựng đường băng… đều là những nước cờ, như việc ban hành “bản đồ tiêu chuẩn” năm 2023, rất quan trọng trong tiến trình độc chiếm Biển Đông mà TQ vạch ra.
Không chỉ VN, các quốc gia khác như Philippines, Malaysia… đều lập tức lên tiếng phản đối “bản đồ tiêu chuẩn” năm 2023 mà TQ công bố. Các nước yêu cầu TQ “hành xử có trách nhiệm”, tuân thủ phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài và các quy định của UNCLOS năm 1982. Một số nước trước đây thường chọn chính sách “ngoại giao im lặng”, hạn chế chỉ trích trực tiếp TQ thì nay lên tiếng mạnh mẽ hơn trước các hành động ngày càng leo thang của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Chưa bao giờ được thừa nhận
TQ đã và đang xây dựng những tòa nhà cao tầng trên các thực thể được Bắc Kinh bồi lấp nhanh chóng và xâm hại môi trường biển nghiêm trọng. TQ đang cố chứng minh rằng họ quản lý, tổ chức đời sống xã hội một cách hợp pháp bằng những biện pháp hành chính, dân sự, quân sự trên các thực thể mà họ chiếm đóng phi pháp. Họ dùng truyền thông, pháp lý lẫn các chiến thuật tâm lý để thế giới từng bước tin rằng yêu sách đường lưỡi bò của mình là hợp pháp. Thế nhưng, chưa bao giờ yêu sách phi pháp của TQ được chấp nhận, trái lại phản ứng của các quốc gia ngày càng trở nên mạnh mẽ, quyết liệt hơn trước sự leo thang của TQ.
Từ Philippines, Indonesia, Malaysia, Philippines, Brunei, VN đến Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Úc… đều lên tiếng phản đối yêu sách đường lưỡi bò một cách chính thức, thường xuyên và liên tục, ở bất kỳ sự kiện nào, trên bất kỳ diễn đàn nào, vào bất kỳ thời gian nào.
Trước sự kiện TQ công bố “bản đồ tiêu chuẩn” mới đây, năm 2020, TQ đệ trình Công hàm số CML/42/2020 ngày 17-4-2020 lên LHQ để củng cố sức mạnh cho Công hàm số CML/17/2009 mà TQ đệ trình lên tổ chức này hơn chục năm trước đó có chứa yêu sách đường lưỡi bò. Sự kiện này làm dấy lên “cuộc chiến” công hàm. Hàng loạt quốc gia đã đệ trình lên LHQ tiếng nói chính thức của họ phản đối cái mà TQ gọi là “Nam hải chư đảo”, bác bỏ tính pháp lý của đường lưỡi bò.
Trước đó, vào năm 2016, Tòa Trọng tài thường trực ở The Hague (Hà Lan) đã ra phán quyết bác bỏ tính pháp lý của yêu sách đường lưỡi bò. Duy chỉ có TQ quyết liệt bác bỏ phán quyết này, trong khi rất nhiều quốc gia khác đều ủng hộ và kêu gọi TQ tuân thủ, vốn là trách nhiệm mà TQ phải thực hiện trong vai trò thành viên đã đặt bút ký Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, là một trong năm thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ và là quốc gia có trách nhiệm “nêu gương” trong đời sống chính trị quốc tế.
Với việc ban hành “bản đồ tiêu chuẩn”, TQ lại leo thêm một nấc thang thiếu trách nhiệm ở Biển Đông trong bối cảnh họ là thành viên UNCLOS, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), một bên trong bàn đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) và nhiều cơ chế đa phương khác về vấn đề Biển Đông. Đó cũng là “phép thử” mà TQ đặt ra để kiểm tra phản ứng của các nước hòng “tịnh tiến” về phía trước khi chớp được cơ hội. Vì vậy, sự đồng lòng của cộng đồng quốc tế trong việc lên tiếng phản đối TQ là rất quan trọng và nếu nhìn xa hơn, việc hợp tác quốc tế để ứng phó với những bước “tịnh tiến” kiểu TQ trên “bàn cờ lớn” Biển Đông là điều cấp thiết.•
Trước việc Bộ Tài nguyên thiên nhiên của TQ công bố “ bản đồ tiêu chuẩn” năm 2023, người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN Phạm Thu Hằng khẳng định: Việc Bộ Tài nguyên thiên nhiên của TQ công bố cái gọi là “bản đồ tiêu chuẩn” năm 2023 bao gồm quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của VN cũng như thể hiện yêu sách đường đứt đoạn là xâm phạm chủ quyền của VN đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của VN đối với các vùng biển của mình được xác định theo UNCLOS năm 1982.
Do đó, yêu sách chủ quyền và yêu sách biển dựa trên đường đứt đoạn như thể hiện trong bản đồ nói trên là vô giá trị, vi phạm quốc tế, nhất là UNCLOS năm 1982. Bà Hằng nhấn mạnh: “Một lần nữa, VN khẳng định mạnh mẽ lập trường nhất quán về vấn đề chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như kiên quyết phản đối mọi yêu sách của TQ ở Biển Đông dựa trên đường đứt đoạn”. V.THỊNH
luật pháp