Biển Đông: Giải pháp để ông Duterte sòng phẳng với Trung Quốc

Truyền thông quốc tế hôm 12-9 dẫn lời người phát ngôn của tổng thống Philippines, ông Salvador Panelo, cho biết Manila không từ bỏ phán quyết của Tòa Trọng tài 2016 dù có theo đuổi thỏa thuận thăm dò dầu khí chung với Trung Quốc (TQ) hay không.

Thông báo này được đưa ra chỉ hai ngày sau khi Tổng thống Rodrigo Duterte cho biết Chủ tịch Tập Cận Bình đã đề nghị dành cho Manila cổ phần kiểm soát liên doanh năng lượng ở biển Đông nếu họ gạt sang một bên phán quyết của tòa chống lại Bắc Kinh. Tổng thống Duterte cũng cho biết ông sẽ gác lại phán quyết để hợp tác khai thác dầu khí với TQ, theo hãng tin Bloomberg. Hồi cuối tháng 8, sau cuộc gặp song phương giữa ông Duterte và ông Tập tại Bắc Kinh, ông Salvador Panelo cũng khẳng định ông Duterte sẽ không nhắc đến phán quyết của tòa trong những lần làm việc giữa hai nước tiếp theo.

Ông Duterte bị chỉ trích

Phó Tổng thống Philippines Leni Robredo hôm 12-9 lên tiếng chỉ trích Tổng thống Duterte đã không cân nhắc, suy tính cẩn thận trong việc xem xét việc gạt qua một bên phán quyết của tòa vốn có lợi cho Manila để tìm cách khai thác năng lượng chung với TQ, báo South China Morning Post đưa tin.

Nữ Phó Tổng thống Robredo mô tả việc ông Duterte tỏ ra sẵn lòng với lời đề nghị của ông Tập, quên chuyện phán quyết và bắt tay khai thác dầu khí với TQ là hành động “cực kỳ vô trách nhiệm”.

“Đảm bảo tương lai tốt đẹp hơn cho con em chúng ta có lẽ là một trong những trách nhiệm quan trọng nhất và cũng khó khăn nhất của bất kỳ chính quyền nào. Bán tương lai ấy để nhận lại một thỏa thuận khí đốt với TQ chính là rũ bỏ trách nhiệm đó một cách rất đáng xấu hổ” - bà Robredo chỉ trích.

Cùng quan điểm này, hôm 11-9, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. trong cuộc phỏng vấn với đài ANC đã khẳng định phán quyết của Tòa Trọng tài vượt lên trên thỏa hiệp, do đó không thể gạt sang một bên. Phó Chánh án Tòa án Tối cao Philippines Antonio Carpio hôm 13-9 cũng khẳng định một quốc gia “nếu tuyên bố bỏ qua một phán quyết sẽ đồng nghĩa với việc phán quyết này hoàn toàn có thể bị bãi bỏ, bị đảo ngược hoặc bị phủ quyết”. “Tuy nhiên, tổng thống Philippines không có thẩm quyền đưa ra một tuyên bố bỏ qua phán quyết như vậy” - vị này nói trên đài ABS-CBN News.

Tổng thống Duterte cần tỉnh táo trong việc khai thác chung với Trung Quốc. Ảnh: YOUTUBE

Để không còn nằm “kèo dưới”

Cựu ngoại trưởng Philippines Albert Del Rosario cho rằng ông Duterte không cần phải đánh đổi với Bắc Kinh bất kỳ điều gì để đảm bảo chủ quyền trong vùng biển của nước này. “Để hướng tới một hoạt động kinh tế trong EEZ của chúng ta, (ông Duterte) không cần phải gạt phán quyết của tòa sang một bên và vi hiến” - ông Rosario nói.

Về mặt thực địa, Phó Chánh án Antonio Carpio gợi ý rằng: “Thay vì bắt tay với TQ, Philippines nên triển khai Lực lượng vũ trang Philippines (AFP) để bảo vệ vùng biển của quốc gia, không để lực lượng nước ngoài đến khai thác. Tổng tư lệnh của AFP chính là tổng thống Philippines, người có nhiệm vụ tuân theo hiến pháp, chỉ huy AFP bảo vệ nguồn tài nguyên biển trong EEZ của đất nước mình” - theo The Philippine Star.

Tổng thống Rodrigo Duterte không có thẩm quyền để gác lại chiến thắng pháp lý của Manila ở biển Đông (phán quyết của Tòa Trọng tài) để thúc đẩy với thỏa thuận thăm dò dầu khí chung (với TQ trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.

Phó Chánh án Tòa án Tối cao Philippines ANTONIO CARPIO 
nói với đài ABS-CBN News 

Đã nhiều lần ông Duterte khẳng định không thể làm gì khi “ông Tập muốn đánh bắt cá ở đó (các vùng biển nằm trong EEZ) của Philippines”. Thậm chí ông Duterte nhiều lần cho rằng Manila sẽ thất bại nếu TQ tấn công Philippines.

Tuy nhiên, ông Duterte cần nhận diện “bẫy tâm lý” của Bắc Kinh: Đe dọa chứ không động thủ. Từ đó Manila cần có phản ứng về mặt ngoại giao và thực địa quyết liệt hơn dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế. Đồng thời, thông tin rõ về hành động của TQ trên biển (ví dụ va đâm tàu, đe dọa hoạt động khai thác kinh tế Philippines) để tìm kiếm sự ủng hộ và tham gia của công luận. Giới quan sát cho rằng các phản ứng của Việt Nam, Malaysia trước hành vi ngang ngược gây rối của TQ ở biển Đông chính là bài học quan trọng cho Philippines: Kiên quyết giữ vững lập trường chủ quyền và kiên trì theo đuổi phán quyết.

Trong dài hạn, cần vận động cộng đồng quốc tế, bao gồm Mỹ và đồng minh, tham gia các hoạt động hợp tác tại biển Đông: (i) Thành lập các nhóm liên minh về pháp lý, chia sẻ kinh nghiệm về việc sử dụng các phương án pháp lý để bác bỏ lập trường sai trái của TQ; (ii) Chia sẻ kinh nghiệm về ứng phó với các đội tàu quân sự, dân quân biển TQ; (iii) Chia sẻ thông tin tình báo, hợp tác huấn luyện quân đội để hành xử hợp lý, kịp thời trên biển; (iv) Hình thành các tổ chức hợp tác kinh tế để tạo ra sự độc lập trước sức ép của Bắc Kinh.

Philippines không đạt lợi ích kinh tế đáng kể từ Trung Quốc

Philippines dưới thời Tổng thống Duterte chọn cách tiếp cận mềm mỏng trước Bắc Kinh. Chính quyền Duterte đã nhận hàng tỉ USD tiền vay, viện trợ, đầu tư từ chính quyền Bắc Kinh. Tuy nhiên, phần lớn số tiền này cho đến nay vẫn nằm trên giấy tờ, chưa mang lại hiệu quả thực tế. Trong khi đó, dòng di cư lao động rất mạnh và lượng khách du lịch đông nhưng phức tạp từ TQ sang Philippines đang đặt chính quyền Manila trước những thách thức quan trọng đối với an ninh đất nước. Ngoài ra, việc phụ thuộc kinh tế vào TQ khiến ông Duterte có tâm lý e dè trước sự đe dọa của Bắc Kinh. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm