"Theo lý thuyết, tuyên bố "bỏ qua" một phán quyết sẽ đồng nghĩa với việc phán quyết này hoàn toàn có thể bị bãi bỏ, bị đảo ngược hoặc bị phủ quyết. Tuy nhiên, cũng trên lý thuyết thì tổng thống Philippines không có quyền đưa ra một tuyên bố bỏ qua phán quyết như vậy" - Phó Chánh án Tòa án Tối cao Philippines Antonio Carpio khẳng định hôm 13-9, theo đài ABS-CBN.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp đón Tổng thống Philippines Rodiro Duterte trong chuyến thăm Trung Quốc 2016 của ông. Ảnh: CNN
Tuy nhiên, ông Carpio cũng nói thêm rằng ông Duterte vẫn có quyền chọn thời điểm để đề cập phán quyết hay nói cách khác, có quyền trì hoãn việc sử dụng phán quyết trong phát ngôn của mình cho đến lúc tổng thống Philippines đánh giá là phù hợp.
"Mỗi khi Trung Quốc có động thái xâm phạm chủ quyền chính đáng của Philippines được phán quyết 2016 thừa nhận, Manila cần ngay lập tức phản đối để tránh những hiểu lầm rằng Philippines ngầm đồng ý hoặc chấp nhận những hành động này. Bất cứ sự đồng ý hoặc ngụ ý đồng ý nào cũng đều có thể dẫn tới việc đánh mất chủ quyền của Philippines. Chính quyền và người dân Philippines phải luôn cảnh giác về điều này" - Phó Chánh án Antonio Carpio nói thêm.
Bên cạnh chỉ trích Tổng thống Rodrigo Duterte, ông Carpio cũng dành lời khen cho Ngoại trưởng Teodoro Locsin Jr. vì đã làm rõ vấn đề và lên tiếng chỉ ra sai lầm của ông chủ điện Malacanang.
"Chúng ta nên cảm kích ông Locsin Jr. vì sự cảnh giác của ông trong việc ngăn chặn ý định từ bỏ chủ quyền của chúng ta theo phán quyết của Tòa trọng tài" - ông cho hay. Cụ thể, Ngoại trưởng Locsin hôm 11-9 khẳng định không thể gạt phán quyết sang một bên vì đó là quyết định cuối cùng và ràng buộc.
Được biết ngày 10-9, ông Duterte cho biết Chủ tịch Tập Cận Bình đã đề nghị dành cho Manila cổ phần kiểm soát liên doanh năng lượng ở biển Đông nếu họ gạt sang một bên phán quyết của Tòa trọng tài chống lại Bắc Kinh.
“Ông Tập Cận Bình đã nói rằng Philippines hãy gác các phán quyết của Tòa trọng tài sang một bên, sau đó cho phép mọi người kết nối với các công ty Trung Quốc để khai thác (dầu khí). Nếu có tài nguyên, các ông giữ 60%, còn lại của họ (phía Trung Quốc) chỉ 40%. Đó là lời hứa của ông Tập” - Văn phòng tổng thống dẫn lại lời của ông Duterte nói với báo chí.
Theo trang tin Philstar, khi được hỏi liệu tỉ lệ này có áp dụng các khu vực nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines hay không, Tổng thống Duterte cho biết: "EEZ là một phần phán quyết của Tòa trọng tài mà chúng tôi sẽ bỏ qua để theo đuổi các hoạt động kinh tế" nhưng không nói rõ ông đã chấp nhận đề nghị của ông Tập hay chưa.