Tờ Inquirer cho biết dù Tổng thống Philippines Duterte không hài lòng về việc Trung Quốc từ chối tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016 liên quan đến tranh chấp ở biển Đông (mà Philippines gọi là biển Tây Philippines), ông sẽ không bỏ cuộc trong việc khẳng định chủ quyền tại khu vực đang tranh chấp.
Hôm 5-9, điện Malacanang lên tiếng trấn an người dân rằng Philippines sẽ không bỏ cuộc trong vấn đề này. Điện Malacanang cũng nhấn mạnh rằng phán quyết của tòa là “cuối cùng, có tính ràng buộc và không thể chống lại”.
“Như tổng thống đã nói, quan điểm của chúng tôi là phán quyết của tòa là phán quyết cuối cùng, có tính ràng buộc và không thể chống án. Một lần nữa, câu hỏi về việc ai sẽ thực thi phán quyết và làm thế nào để thực thi phán quyết lại được đặt ra. Chúng ta sẽ phải tìm kiếm một cơ chế làm thế nào để thực thi phán quyết này” - người phát ngôn của tổng thống Philippines - ông Salvador Panelo nói.
Một người biểu tình đứng bên ngoài lãnh sự quán Trung Quốc tại TP Makati , Philippines trong một cuộc biểu tình kỷ niệm ba năm Tòa trọng tài đưa ra phán quyết. Ảnh: Inquirer
Khi được hỏi liệu điều này có nghĩa là Philippines sẽ không từ bỏ phán quyết hay không, ông Panelo đã trả lời: “Chắc chắn là chúng tôi không từ bỏ. Tôi nghĩ rằng điều này được thể hiện rất rõ ràng từ tuyên bố của tổng thống”.
Ông đưa ra nhận xét một ngày sau khi Tổng thống Duterte nói rằng ông không hài lòng với việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từ chối thực hiện phán quyết của Tòa trọng tài trong vụ kiện biển Đông.
Ông Duterte đã đề cập phán quyết trong cuộc gặp song phương gần đây với ông Tập tại Bắc Kinh. Ông Tập vẫn giữ nguyên quan điểm của Trung Quốc rằng vùng biển mở rộng - nằm chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế của Philippines - là lãnh thổ của Trung Quốc.
Điện Malacanang cũng cho biết rằng tổng thống muốn giải quyết các lĩnh vực khác, các lĩnh vực mà Philippines không có xung đột với Trung Quốc hơn là nói về vấn đề này.
“Tổng thống nói hai bên đã đồng ý đàm phán một cách hòa bình để tìm giải pháp cho cuộc xung đột. Trong khi chờ đợi, hãy giải quyết những lĩnh vực khác mà chúng tôi không có vấn đề gì với nhau” - ông Panelo nói thêm.
Về đề xuất thăm dò dầu chung giữa Trung Quốc và Philippines, ông Panelo cho biết các ban chỉ đạo từ cả hai quốc gia sẽ vẫn phải thảo luận về các điều khoản và điều kiện của thỏa thuận được đề xuất.
“Điều đó phải được thảo luận, chúng tôi không biết các điều khoản tham chiếu sẽ là gì” - ông Panelo nói khi được hỏi về thỏa thuận chia 60-40 trong việc hợp tác khai thác với Trung Quốc.
Bộ trưởng năng lượng Philippines Alfonso Cusi cho rằng thỏa thuận chia sẻ 60-40 chỉ áp dụng cho các khu vực tranh chấp và không áp dụng cho các khu vực nằm trong vùng lãnh hải của Philippines. Về vấn đề này, ông Panelo nói: “Nếu đó là chính sách của ông Cusi với tư cách bộ trưởng Năng lượng nhằm hạn chế việc khai thác một số khu vực nhất định, thì đó là chính sách của chính phủ. Trừ khi chính sách này bị thay đổi hoặc sửa đổi bởi tổng thống mà không cần thông báo trước”.