Xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội là quá trình xử lý thay thế các hình phạt trong hệ thống pháp luật hình sự bằng biện pháp nhân văn, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi nhưng vẫn bảo đảm tính nghiêm minh và các nguyên tắc pháp luật.
Theo Điều 9 dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên, biện pháp xử lý chuyển hướng là biện pháp giám sát, giáo dục, phòng ngừa thay thế cho hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội.
Pháp Luật TP.HCM ghi nhận ý kiến đóng góp của các chuyên gia cho việc hoàn thiện, đổi mới cơ chế thi hành và nâng cao hiệu quả của việc áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng nhằm đảm bảo lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên.
TS NGUYỄN THÀNH VINH, Chánh án TAND TP Thủ Đức, TP.HCM:
Giải pháp ưu tiên lựa chọn
Theo số liệu thống kê của TAND Tối cao, số bị cáo là người chưa thành niên (NCTN) được miễn trách nhiệm hình sự được áp dụng biện pháp thay thế như sau:
Năm | Số người đã bị kết án | Biện pháp thay thế | ||
Khiển trách | Hòa giải tại cộng đồng | Giáo dục tại xã, phường, thị trấn | ||
2019 | 2.453 | 01 | 0 | 02 |
2020 | 2.271 | 0 | 0 | 02 |
2021 | 2.962 | 0 | 0 | 06 |
Công ước quốc tế về quyền trẻ em khuyến cáo các quốc gia thành viên đề ra các biện pháp xử lý trẻ em vi phạm pháp luật hình sự mà không phải sử dụng đến thủ tục tư pháp như ra lệnh chăm sóc, hướng dẫn và giám sát; tư vấn; thử thách; chăm nuôi; các chương trình giáo dục, dạy nghề và những biện pháp thay thế khác cho việc quản lý tại cơ sở nhằm bảo đảm cho trẻ em được đối xử phù hợp với phúc lợi của trẻ, tương xứng với hoàn cảnh cũng như hành vi phạm tội của trẻ.
Việc xử lý chuyển hướng có thể được áp dụng đối với bất cứ NCTN nào bị cho là đã thực hiện một hành vi vi phạm pháp luật và phải được coi là giải pháp ưu tiên lựa chọn hàng đầu đối với tất cả những NCTN phạm tội lần đầu, thực hiện vi phạm pháp luật nhỏ hoặc ít nghiêm trọng mà không gây ra thiệt hại hay thương tích lớn.
Số liệu thống kê trên cho thấy việc áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng trong thời gian qua còn rất hạn chế. Do vậy, dự thảo luật đã cụ thể hóa vấn đề cần mở rộng phạm vi áp dụng đi cùng với việc hoàn thiện, đổi mới cơ chế thi hành các biện pháp xử lý chuyển hướng và nâng cao thiết chế tái hòa nhập cộng đồng.
Với mục đích quy định biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng (Điều 49 dự thảo luật) là biện pháp nghiêm khắc nhất trong các biện pháp xử lý chuyển hướng, được áp dụng sau cùng khi NCTN không tuân thủ việc chấp hành biện pháp xử lý chuyển hướng đã áp dụng hoặc đối với NCTN phạm một số tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng trước đây không được áp dụng biện pháp này.
Đây cũng là cơ chế để NCTN không phải quay lại quy trình thủ tục tố tụng hình sự (TTHS) thông thường, mất nhiều thời gian, thủ tục phức tạp. Do đó, dự thảo luật đã đưa ra những quy định rất chặt chẽ đối với các trường hợp bị áp dụng biện pháp này.
PGS-TS LÊ HUỲNH TẤN DUY, Phó trưởng khoa Luật Hình sự Đại học Luật TP.HCM:
4 điều cần lưu ý về biện pháp xử lý chuyển hướng
Việc ghi nhận đa dạng các biện pháp xử lý chuyển hướng tạo sự linh hoạt cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc lựa chọn biện pháp thích hợp, hiệu quả nhất đối với từng trường hợp cụ thể. Tuy nhiên những vấn đề sau đây cần được xem xét cẩn trọng để hoàn thiện dự thảo:
Thứ nhất, dự thảo liệt kê 7 nhóm mục đích của việc áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng đối với NCTN phạm tội (Điều 33 Dự thảo 2.2). Theo tôi, điều luật này là không cần thiết vì mục đích của xử lý chuyển hướng là vấn đề mang tính lý luận, không phù hợp để ghi nhận dưới hình thức các quy phạm pháp luật. Hơn thế nữa, tên gọi của điều luật là mục đích nhưng nội dung còn có sự pha lẫn với một số lợi ích của xử lý chuyển hướng.
12 biện pháp xử lý chuyển hướng
1. Khiển trách.
2. Xin lỗi bị hại.
3. Bồi thường thiệt hại.
4. Tham gia chương trình học tập, dạy nghề.
5. Tham gia điều trị và tư vấn tâm lý.
6. Lao động công ích.
7. Cấm tiếp xúc.
8. Hạn chế khung giờ sinh hoạt, đi lại.
9. Cấm đến một địa điểm nhất định.
10. Giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
11. Quản thúc tại gia (biện pháp xử lý chuyển hướng ngoài cộng đồng).
12. Giáo dục tại trường giáo dưỡng.
(Điều 34 Dự thảo 2.2)
Thứ hai, theo tiêu chuẩn và xu hướng chung quốc tế, xử lý chuyển hướng được khuyến khích áp dụng kết hợp với các chương trình tư pháp phục hồi, nhấn mạnh vai trò của bị hại và các cá nhân, cộng đồng bị ảnh hưởng bởi tội phạm trong quá trình tham gia vào việc đưa ra các quyết định giải quyết vụ án.
Tuy nhiên trong hệ thống các biện pháp xử lý chuyển hướng hiện nay thì chỉ có biện pháp bồi thường thiệt hại cần đến ý chí của bị hại. Các biện pháp còn lại đa phần là sự tự quyết của cơ quan có thẩm quyền trên cơ sở sự đồng ý của NCTN. Ngoài nghĩa vụ lao động công ích, NCTN hầu như không còn nghĩa vụ nào đối với cha mẹ, người thân thích khác, thầy cô giáo và cộng đồng bị ảnh hưởng bởi hành vi phạm tội của họ.
Thứ ba, biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng xét về bản chất mặc dù khác hình phạt tù có thời hạn nhưng theo pháp luật quốc tế vẫn là một biện pháp tước tự do của NCTN. Trong khi đó Bình luận chung số 24 của Uỷ ban Quyền trẻ em đã nhấn mạnh “các biện pháp xử lý chuyển hướng không nên bao gồm việc tước tự do” (đoạn 18(e)).
Ngoài ra, theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 49 Dự thảo thì người đang được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng khác chỉ cần cố ý vi phạm nghĩa vụ từ 2 lần trở lên sẽ bị giáo dục tại trường giáo dưỡng. Với sự thiếu vắng và/hoặc hoạt động không hiệu quả của các nguồn lực hỗ trợ việc giám sát, giáo dục NCTN khi đang áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng ở nước ta rất dễ dẫn đến tình trạng NCTN vi phạm các nghĩa vụ của họ. Điều này đồng nghĩa với việc nhiều NCTN có khả năng sẽ bị đưa vào trường giáo dưỡng…
Thứ tư, theo Điều 63 Dự thảo, nếu không chấp nhận đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng thì toà trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra, VKS để giải quyết vụ án theo thủ tục tố tụng hình sự thông thường. Tuy nhiên nội dung điều luật thiếu một quy định rất quan trọng đã được nhấn mạnh trong văn kiện “Những nguyên tắc cơ bản của việc sử dụng các chương trình tư pháp phục hồi trong các vấn đề hình sự” của Hội đồng kinh tế và xã hội Liên Hợp quốc (nguyên tắc số 08) và Bình luận chung số 24 (đoạn 18(a)) của Ủy ban quyền trẻ em đó là sự tham gia hoặc chấp nhận trách nhiệm của NCTN trong quá trình xem xét áp dụng biện pháp XLCH không được sử dụng làm chứng cứ để chống lại họ trong quá trình tố tụng hình sự sau đó.
Biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng xét về bản chất mặc dù khác hình phạt tù có thời hạn nhưng theo pháp luật quốc tế vẫn là một biện pháp tước tự do của người chưa thành niên.
PGS-TS LÊ HUỲNH TẤN DUY
Thiếu quy định này sẽ tạo rào cản cho người chưa thành niên trong việc thừa nhận hành vi phạm tội và đồng ý áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, cũng như gây bất lợi cho họ trong việc thực hiện quyền bào chữa khi quay lại thủ tục tố tụng thông thường.
Ông HUỲNH MINH KHÁNH, thư ký TAND huyện Cái Bè, Tiền Giang:
Quy định về áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng có trái luật?
Việc quy định các biện pháp xử lý xử lý chuyển hướng đối với NCTN phạm tội là rất cần thiết. Trong quá trình hoàn thiện dự thảo luật, các cơ quan có thẩm quyền cần sửa đổi, bổ sung cho đồng bộ các quy định của BLHS và BLTTHS.
Một số biện pháp xử lý chuyển hướng được kế thừa từ các quy định trước đó trong các quy định về xử lý vi phạm hành chính, hình sự,… và một số biện pháp xử lý chuyển hướng mới như: tham gia chương trình học tập, dạy nghề, lao động công ích, quản thúc tại gia…
Việc đa dạng các biện pháp xử lý chuyển hướng nhằm bảo vệ quyền và lợi ích tốt nhất cho NCTN niên, đảm bảo việc xử lý NCTN phù hợp với độ tuổi.
Dự thảo Luật cũng có 4 biện pháp xử lý chuyển hướng được kế thừa từ các biện pháp giám sát, giáo dục đối với trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự được quy định tại các Điều 93, 94, 95 BLHS.
Theo Điều 37 dự thảo luật, để có thể được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, NCTN phải thừa nhận hành vi phạm tội, có chứng cứ buộc tội và NCTN phải đồng ý áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng.
Như vậy, để áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng thì điều kiện trước tiên là các cơ quan chức năng phải xác định được “người chưa thành niên đã phạm tội”. Trong khi đó, căn cứ quy định về thủ tục xem xét, áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng của dự thảo luật thì thấy rằng việc xác định hành vi phạm tội của NCTN chỉ thông qua việc toà mở phiên họp để xét các biện pháp xử lý chuyển hướng đối với họ.
Quy định trên là trái với quy định tại Điều 13 BLTTHS về suy đoán vô tội, kết tội một người mà không thông qua bản án của toà.
Mặt khác, việc xác định vai trò đồng phạm không đáng kể theo khoản 3 Điều 35 dự thảo luật cũng cần phải có quá trình điều tra, khởi tố, truy tố, xét xử theo đúng các nguyên tắc cơ bản của BLTTHS.
Hơn nữa, nếu quy định về điều kiện áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng theo Điều 37 dự thảo luật sẽ tạo tiền lệ xấu để các cơ quan tố tụng “lách luật” chuyển sang biện pháp xử lý chuyển hướng đối với các trường hợp oan, sai đối với các vụ án có NCTN phạm tội để tránh né trách nhiệm.