Nếu các bạn có một đứa con đi học nhưng chúng lại xem trường học không phải là nơi an toàn mà luôn bị bạo lực, đe dọa, bắt nạt và trong mắt không ít học sinh, khi gặp bạo lực, các em đã chọn cách im lặng thì đau xót biết chừng nào phải không.
Tại hội thảo Chia sẻ kết quả khảo sát dự án trường học thân thiện - bảo vệ trẻ em dễ bị tổn thương cho biết: “Có hơn 74% học sinh đã trải qua các hình thức trách phạt của giáo viên mà không nói cho ai biết. Hơn một nửa học sinh đã bị trêu chọc và bắt nạt. Tuy nhiên, rất ít em báo cáo với giáo viên chủ nhiệm. Trong số các em đã tham gia trả lời khảo sát, 15% trẻ cho biết ở trường đã bị ném phấn, cốc đầu, nhéo tai; 21% cho biết đã bị đánh vào mặt, tay, mông…
Hội thảo này cho rằng người lớn thiếu kỹ năng tiếp xúc với con trẻ. Các giáo viên với khối lượng chương trình nặng, sĩ số lớp đông, không có đủ thời gian chăm chút, lắng nghe từng học sinh. Cha mẹ thì với gánh nặng cơm áo gạo tiền không có nhiều thời gian cho con em mình… Thực tế nếu giáo viên giỏi phải biết ngoài việc dùng uy nghiêm của mình giáo dục các em thì quan trọng nhất là phải dùng kỹ năng sư phạm để hướng dẫn và tương tác với học sinh một cách khéo léo.
Tuy nhiên, vai trò người mẹ mới là quan trọng nhất.
“Tôi có đứa con trai học một trường THCS ở Phan Thiết, nó là đứa học rất giỏi nhưng gần đây sa sút hẳn” - một người bạn gửi email cho tôi kể.
“Suốt thời gian gần gũi nhưng mẹ nó đã không phát hiện những thay đổi của con. Chỉ đến hè vừa rồi nó đi du lịch với tôi gần một tuần và tôi đã khóc khi phát hiện ra nó là nạn nhân của những “trò chơi” bạo lực học đường khốn nạn. Từ một thằng bé giao tiếp tốt, mạnh dạn nó bỗng trở nên nhút nhát, ít nói. Đặc biệt là đôi mắt của nó lúc nào cũng nhìn cha như muốn thổ lộ, kêu cứu.
Tôi đã cố khai thác nhưng nó vẫn chọn cách im lặng nên bắt buộc phải chơi trò gài bẫy con mình để tìm ra sự thật động trời. Nó đã bị một nhóm những học sinh lớp trên bắt buộc phải về nhà trộm tiền, thậm chí nhịn ăn sáng để cống nạp. Nghiêm trọng hơn chúng còn buộc con tôi phải đưa chìa khóa nhà để chúng vào nhà lục lọi, trộm cắp tài sản và buộc thằng nhỏ phải câm miệng nếu không sẽ bị đánh hội đồng.
Ngày tôi bắt quả tang chụp ảnh, quay clip lại lúc đó tôi đã phải cố dằn chứ không đã gây án. Nếu muốn đuổi học những đứa trẻ côn đồ này thì quá dễ nhưng chúng cũng như con mình nên tôi đã cho chúng cơ hội không báo với nhà trường mà tìm đến nhà để yêu cầu phụ huynh dạy dỗ, cam kết. Nhưng buồn cười nhất là khi tôi gọi điện thoại cho giáo viên có trách nhiệm, người giáo viên này liền trả lời “Tôi đã biết rồi nhưng sự việc nghiêm trọng vậy nó lại không báo với tôi”. Làm sao mà dám báo cáo khi nhà trường thiếu tương tác, thiếu cơ chế để trẻ có thể tin cậy để báo lại những vấn đề xảy ra với chúng. Ngay cả gần gũi như gia đình mà chúng còn tìm cách im lặng kia mà".
Thành tích, đó là một cơ chế của ngành giáo dục bấy lâu nay khiến biết bao nhiêu vụ bạo lực học đường chìm xuồng và những đứa trẻ phải chọn cách im lặng còn nhà trường năm nào cũng được khen thưởng dạy tốt, học tốt.
Chiều nay về nhà các bạn thử quan sát con cái xem, biết đâu con cái của các bạn cũng là nạn nhân của bạo lực nhưng gia đình, đặc biệt là những người mẹ đã vì công việc, tiệc tùng mà không quan tâm, để ý những diễn biến tâm lý rất dễ dàng nhận ra từ con của mình...