Họ cố gắng thể hiện năng lực mình để thoát nghèo, gầy dựng cuộc sống khá hơn. Đó là một chương trình ý nghĩa, đậm tính nhân văn, đáng được nhân rộng. Ở đây tôi muốn nói tới một góc độ khác, những đối tượng khác về chuyện vượt lên chính mình. Đó là những văn nghệ sĩ. Cả nghệ sĩ trình diễn như diễn viên, ca sĩ… và những văn nghệ sĩ sáng tạo như họa sĩ, nhạc sĩ, văn thi sĩ… Cũng giống như những người nông dân, công nhân lao động cũng có lúc mệt mỏi hoặc những nhà doanh nghiệp có khi làm ăn thua lỗ, phá sản, các văn nghệ sĩ trình diễn cũng lao động cật lực trên sàn diễn, trên phim trường cũng có khi hụt hơi; họa sĩ nhiều khi đối diện với tấm toan trắng lạnh toát, người nhạc sĩ trầm ngâm trước những dòng kẻ vô hồn; nhà văn, nhà thơ đối diện với trang giấy trắng mênh mông và nỗi cô đơn cùng cực nhưng vẫn chưa sáng tạo được gì mới. Sáng tác là phải sản sinh ra cái gì mới lạ, khác và hay hơn chính những cái mình đã vẽ, đã viết chứ không nhất thiết so sánh với những tác phẩm, công trình khác. Và dĩ nhiên không nên lặp lại chính mình, điều mà không ít nghệ sĩ sáng tạo mắc phải. Riêng điều này khó có thể chia sẻ với các nghệ sĩ trình diễn bởi để lần trình diễn sau khác và hay hơn lần trước là cực kỳ khó.
Những nghệ sĩ trình diễn rất sợ bước qua bên kia sườn dốc của sự nghiệp. Đó là quy luật muôn đời. Thế nhưng không ít nghệ sĩ cố níu kéo lại cái bóng một thời đã vang. Một số nghệ sĩ lớn tuổi sau nhiều năm sống ở nước ngoài, bước vào tuổi già lại nhớ quê, nhớ sân khấu quê nhà, nhớ khán thính giả một thời, bèn về quê nhà làm một vài sô diễn để kỷ niệm một thời. Những khán thính giả của nghệ sĩ ấy ngày xưa nay cũng đã cao tuổi, đã mua vé vừa để nhớ lại một thời vừa động viên người nghệ sĩ. Thật ra khi đã qua bên kia sườn dốc cuộc đời - chứ không chỉ là bên kia sườn dốc sự nghiệp thì từ nhân dáng đến giọng ca lời hát nó cũng sa sút lắm rồi. Thế nhưng nhiều người vẫn hoang tưởng hay cố níu kéo một thời vang bóng rồi lại tiếp tục về tổ chức liveshow - dĩ nhiên với sự hỗ trợ tối đa của các ca sĩ khách mời trẻ trung hát cặp hay hát chen nhằm vớt vát sự hụt hẫng của khán, thính giả.
Tôi đã từng rất đau lòng gọi điện thoại nói thẳng với một chị ca sĩ quen biết, năm nay đã gần bảy mươi, rằng “thôi đi chị ơi, chị thều thào chứ đâu phải hát, giọng chị đâu còn, chị tra tấn những người yêu quý chị ngày xưa… Ngày xưa thôi chị ơi!”. Nhưng các diễn viên vào tuổi xế chiều nếu biết chọn vai đóng thì vừa được làm công việc mình yêu thích, đỡ nhớ nghề lại có thu nhập thì quá tốt. Một diễn viên mà trong sự nghiệp có được một vai diễn để đời, tạo được dấu ấn trong lòng khán giả thì coi như đã thành công rồi, phần đời còn lại anh có thể thoải mái đóng vài vai diễn phù hợp với tuổi tác mình. Như trường hợp Nguyễn Chánh Tín đã “chết vai” Nguyễn Thành Luân trong bộ phim nhiều tậpVán bài lật ngửa ba mươi năm trước, nay anh vẫn diễn lai rai với những vai phù hợp tuổi tác và nhân dáng bây giờ, như “Đại ca U70” thấy cũng hay hay!
Trường hợp các nghệ sĩ sáng tạo thì khác. Nhạc sĩ Văn Cao là một tài năng lớn và một nhân cách lớn. Tác giả Tiến quân ca, Trường ca sông Lô, Thiên thai, Suối mơ, Trương Chi, Buồn tàn thu… Sau năm 1956 với vụ Nhân văn giai phẩm, Văn Cao không viết nhạc mà chuyển sang vẽ là chính. Ông vẽ minh họa báo Văn nghệđể kiếm sống. Mãi đến sau ngày đất nước thống nhất - năm 1976, Văn Cao mới viết ca khúcMùa xuân đầu tiênvới nhịp điệu tươi vui, lời ca yêu đời. Nhưng rồi bài hát không được phổ biến (mãi mười mấy năm sau, sau khi đi theo chân những Việt kiều chu du khắp Đông Âu,Mùa xuân đầu tiên mới được phổ biến trong nước). Trường hợp Văn Cao là quá hiếm. Không thiếu những nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ có tài nhưng nhân cách kém. Nhiều người năng lượng đã cạn nhưng vẫn cố gắng gượng cho ra đời những tác phẩm xoàng xĩnh nhưng vẫn thấy sướng vì còn được người đời nhớ tới!
Vượt lên chính mình đã khó nhưng giữ được mình cũng không dễ.