Dưỡng khí đúng là điều kiện quyết định cho cuộc sống tất cả sinh vật trên mặt địa cầu. Nhưng dưỡng khí cũng chính là cái giá rất đắt khiến con người phải chấp nhận chu trình sinh, lão, bệnh, tử trong ý nghĩa oái oăm “có ăn có chịu”.
Mặt trái của dưỡng khí
Dưỡng khí là lý do bất khả kháng để động cơ máy nổ sau thời gian thao tác phải đi lần vào hao mòn rỉ sét do hiện tượng gọi là ôxy hóa. Cơ thể con người cũng thế. Tế bào phải dùng dưỡng khí để tiến trình thần kinh - nội tiết - biến dưỡng vận hành êm xuôi, để con người nhờ đó tư duy và lao động. Nhưng cũng vì thế, cũng vì xài nhiều mà phế phẩm, rác rến cũng được hình thành trong cơ thể. Muốn bảo vệ sức khỏe chính là làm sao vẫn tận dụng được ưu điểm của dưỡng khí, đồng thời có thể chủ động giới hạn hay trì hoãn hiện tượng héo úa của tế bào vì tế bào càng hăng máu hoạt động tế bào càng mau… già!
Độc chất vì có nguồn gốc khác nhau nên thiên hình vạn trạng. Tuy vậy, tất cả đều có chung một đặc tính: Chúng phải có dưỡng khí mới có thể tồn tại. Chính vì thế mà tập thể độc chất thành hình từ hoạt động biến dưỡng của cơ thể được đặt tên là chất ôxy hóa. Càng dùng nhiều dưỡng khí cơ thể càng vô tình sản xuất thêm chất ôxy hóa. Gậy ông nếu đập được lưng ông chẳng qua chỉ vì chính ông bỏ công sắm gậy! Các nhà nghiên cứu về độc chất ở CHLB Đức đã phát hiện hàm lượng chất ôxy hóa ở vận động viên tăng tối thiểu gấp ba lần bình thường sau giờ tập luyện. Như thế, người chơi thể thao đúng là có khỏe trước mắt nhưng nếu không có biện pháp kiểm soát chất ôxy hóa càng sớm càng tốt thì về lâu về dài lại có thể là “miếng mồi ngon” của nhiều loại bệnh lão hóa, từ nhồi máu cơ tim bước qua bệnh run tay Parkinson, bệnh xơ não Alzheimer…!
Chế độ dinh dưỡng cần cung cấp đủ sinh tố và khoáng tố để kháng ôxy hóa.
Giải pháp: Sinh tố và khoáng tố
Nói thế chẳng lẽ đừng hoạt động gì hết, nghỉ chơi, ngưng làm việc, bỏ học tập… để nắm chắc phần an toàn cho cơ thể? Muốn hay không muốn tế bào cũng phải đến lúc nào đó bị rỉ sét vì phản ứng ôxy hóa. Độc chất ôxy hóa thật chẳng khác nào một loại bệnh tiềm ẩn, âm thầm và tàn nhẫn, với khả năng gây bệnh vượt xa mầm bệnh ngoại lai thông thường, vì độc chất ôxy hóa là sản phẩm của cuộc sống gọi là văn minh.
Nếu độc chất ôxy hóa là điều rủi thì cơ thể cũng còn vận may. Số là độc chất ôxy hóa có đời sống rất ngắn, chỉ trong vài phần triệu của một giây đồng hồ. Muốn kéo dài tuổi thọ, độc chất ôxy hóa phải “cập tàu” một số tế bào trong cơ thể để qua đó thay đổi cấu trúc theo kiểu “lột da sống đời”. Cơ thể cũng biết thế nên tương kế tựu kế tung ngay vào hệ thống tuần hoàn nhiều tác chất có công năng truy lùng và phong bế hoạt tính của độc chất ôxy hóa. Lực lượng “phản ứng nhanh” này được đặt tên là “chất kháng ôxy hóa”. Thành phần này tuy nhiệt tình nhưng lại vướng mắc một nhược điểm khi “triển khai công tác”. Khả năng hoạt động của chúng tùy thuộc vào sự hiện diện đầy đủ về chất cũng như lượng của hai thành phần hầu như chỉ được cung ứng từ thực phẩm, như tiền sinh tố A, sinh tố E, C, D… và khoáng tố vi lượng, như selen, kẽm, magnesium, vanadium…
Và sự lợi hại của các nội tiết tố
Trên cơ sở vừa phân tích, chế độ dinh dưỡng đảm bảo nguồn dự trữ sinh tố và khoáng tố cho cơ thể chính là bức tường ngăn chặn bước xâm lấn của độc chất ôxy hóa, để qua đó phòng, chống nhiều loại bệnh chứng nghiêm trọng xuất phát từ mặt trái bẽ bàng của dưỡng khí.
Điểm đáng tiếc vô cùng là con người có sẵn trong tay vũ khí bén nhọn để đón đầu chất ôxy hóa. Đó chính là các nội tiết tố mang đến cảm giác yên bình sau giấc ngủ, cảm tưởng lạc quan khi chào ngày mới. Hai chất này không chỉ trung hòa tác hại của các nội tiết tố sản sinh trong tình huống stress. Cặp bài trùng này là đòn bẩy để đánh thức hệ thống miễn dịch trên đường truy lùng và tiêu diệt chất ôxy hóa. Kẹt chính ở chỗ muốn có đủ hai chất này phải “vượt lên chính mình” để con tim, nhiều lần trong ngày “bỗng vui trở lại”. Khó chính ở chỗ tìm đâu ra thầy thuốc mang lại nghị lực cho bệnh nhân khi chính thầy cũng đang “trong héo ngoài tươi”?
Nhân tố quan trọng hàng đầu trong mỗi toa thuốc vì không thể thay thế chính là vai trò của thầy thuốc. Éo le chỉ ở điểm thầy nào làm thuốc cho hay nếu thầy phải đương đầu với số bệnh nhân quá tải, với cuộc sống căng thẳng đến độ khó giữ y đức, với mối liên hệ giữa thầy thuốc và bệnh nhân chẳng khác nào thuận mua vừa bán?
Đây chính là điểm yếu còn tồn đọng của ngành y tế ở xứ mình. Khi nào chuyện này được giải quyết rốt ráo? Chưa biết! Chỉ biết một điều: Đó là giải pháp không thể gói gọn trong vài thông tư theo kiểu “mua vui cũng được một vài trống canh”!.