Su-30 và Su-35 là hai trong số những máy bay chiến đấu đa nhiệm hiện đại nhất của Nga và dẫn đầu các cuộc không chiến của Nga tại Ukraine. Cả hai đều có nguồn gốc từ máy bay chiến đấu Su-27 Flanker mạnh mẽ ra đời từ thời Chiến tranh Lạnh, theo trang Business Insider.
|
Máy bay chiến đấu Su-27 của Nga. Ảnh: RAF |
Các máy bay chiến đấu Flanker của Nga như Su-30SM và Su-35S đã chiến đấu chống các máy bay MiG-29 và Su-27 của Không quân Ukraine để giành ưu thế trên không. Những tiêm kích này cùng với máy bay ném bom Su-34 đã đóng vai trò mũi nhọn trong chiến dịch áp chế hệ thống phòng không của đối phương (SEAD). Ngoài ra, các chiến đấu cơ này còn thực hiện nhiệm vụ tấn công bệ phóng tên lửa dẫn đường tầm xa và bom không điều khiển.
Các đơn vị Su-35 hoạt động tại Ukraine
Lực lượng Không quân Nga (VKS) đang tiếp nhận những chiếc cuối cùng trong số 128 chiếc Su-35 đã đặt mua. Hầu hết số tiêm kích này được triển khai ở chiến trường Ukraine. Các đơn vị không quân của Nga vận hành chiến đấu cơ Su-35 được điều động tới Ukraine bao gồm Trung đoàn tiêm kích số 159, Trung đoàn tiêm kích số 790 và Trung đoàn tiêm kích số 23. Điều này có nghĩa chỉ có một phi đội Su-35S của Trung đoàn tiêm kích số 22 không được triển khai trong cuộc xung đột tại Ukraine, và 25 máy bay khác trong các đơn vị huấn luyện và thử nghiệm.
|
Chiến đấu cơ Su-35S của Không quân Nga. Ảnh: Artyom Anikeev/STOCKTREK IMAGES/ GETTY IMAGES |
Kho Su-35 của Không quân Nga có thể được củng cố hơn nữa nếu bổ sung 24 chiếc Su-35 mà nước này sản xuất cho Ai Cập nhưng chưa được chuyển giao. Tuy nhiên, những tuyên bố gần đây cho thấy Moscow có thể bán hoặc trao đổi số máy bay này với Iran để đổi lấy các máy bay không người lái (UAV) hiện đại của Iran.
Su-30 và những chiến đấu cơ Flanker khác của Nga
Su-30SM hai chỗ ngồi (Flanker-H) được phân biệt với các chiến đấu cơ khác cùng dòng là nó được lắp thêm hai cánh mũi giúp tăng cường khả năng cơ động. Sĩ quan phụ trách hệ thống vũ khí ở hàng ghế sau của Su-30SM có thể giúp quản lý vũ khí và cảm biến, đặc biệt hỗ trợ các nhiệm vụ tấn công mặt đất.
|
Tiêm kích Su-30SM của Nga tại sân bay Ataturk (Thổ Nhĩ Kỳ) năm 2019. Ảnh: Muhammed Enes Yildirim/ANADOLU AGENCY/GETTY IMAGES |
Trước khi nổ ra xung đột với nước láng giềng Ukraine, Không quân Nga sở hữu 91 chiếc Su-30SM và 24 chiếc Su-27SM3. Lực lượng hàng không của Hải quân Nga vận hành 22 chiếc Su-30SM, và đã nhận ít nhất bốn chiếc Su-30SM2 ‘Super Sukhoi’ được thiết kế để hợp nhất động cơ, hệ thống điện tử hàng không và radar với Su-35S.
Không quân Nga cũng có một phi đội gồm các máy bay chiến đấu một chỗ ngồi Su-27SM3 cũ hơn nhưng đang được nâng cấp, chủ yếu đảm nhận vai trò phòng thủ.
Tại bán đảo Crimea, Hải quân Nga có một phi đội gồm 19 chiếc Su-30M2, được phát triển dựa trên phiên bản xuất khẩu của cường kích Su-30MK2 hai chỗ ngồi, song không tinh vi và tiên tiến như Su-30SM. Tiêm kích này chủ yếu dùng cho hoạt động huấn luyện. Bên cạnh đó, Hải quân Nga còn sở hữu chiến đấu cơ Su-33 chủ yếu hoạt động trên tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov. Tuy nhiên, chưa có báo cáo nào ghi nhận Su-30M2 và Su-33 hoạt động trên chiến trường Ukraine.
Vai trò của Su-30 và Su-35 ở Ukraine
Trong những tuần đầu tiên của cuộc xung đột, các chiến đấu cơ Flanker của Nga đã tham gia nhiều cuộc không chiến ở Kiev và các căn cứ không quân của Ukraine ở vùng Zhytomyr gần đó. Nhiều nguồn tin của Ukraine xác nhận lực lượng nước này mất năm chiếc MiG-29 và một máy bay huấn luyện L-39. Ngoài ra, một chiếc Su-27 của Ukraine đã bị tên lửa S-400 của Nga bắn hạ.
Su-30SM của Nga thường được giao nhiệm vụ hộ tống máy bay tấn công, còn Su-35S thực hiện nhiệm vụ tuần tra.
Kể từ tháng 3, có ít báo cáo về thiệt hại của cả hai bên trong không chiến dù giao tranh vẫn diễn ra ác liệt. Điều này phản ánh các bên ngày càng tăng cường thực hiện các biện pháp bảo vệ phi đội máy bay nhằm tránh thiệt hại.
|
Tiêm kích Su-35 của Nga. Ảnh: Misha Japaridze/AP |
Do tích hợp radar hiện đại và tên lửa tầm xa, các chiến đấu cơ Flanker của Nga có lợi thế kỹ thuật vượt trội hơn các chiến đấu cơ của Ukraine trong không chiến. Tuy nhiên, phi công Nga dường như không muốn tiến quá sâu vào vùng không phận do Ukraine kiểm soát do lo ngại mối đe dọa từ hệ thống phòng không mặt đất.
Các tiêm kích Su-30SM và đặc biệt là Su-35S đã tiến hành chiến dịch áp chế phòng không của đối phương (SEAD) tại Ukraine. Những chiến đấu cơ này chủ yếu sử dụng tên lửa Kh-31P và Kh-31PM được thiết kế để bám theo tín hiệu của radar đối phương cách xa 112 km-250 km.
Tên lửa Kh-31P và Kh-31PM có tốc độ nhanh gấp đôi tốc độ âm thanh nhờ sử dụng động cơ phản lực dòng thẳng (ramjet engine). Những tên lửa này được thiết kế để săn lùng các hệ thống phòng không tầm trung Buk hoặc tầm xa S-300P của Ukraine. Ngoài ra, Su-35 còn sử dụng tên lửa chống bức xạ Kh-58.
Su-30 và Su-35 còn được sử dụng trong vai trò tấn công mặt đất, chủ yếu sử dụng tên lửa không đối đất cận âm Kh-59 có tầm bắn 200 km-290 km tùy vào biến thể. Khoảng cách này nằm ngoài tầm bắn của hệ thống phòng không Ukraine.