Thông tin về ca tử vong do cúm gia cầm H5N1 ở Campuchia gần đây đã làm dấy lên lo ngại về sự bùng phát của dịch bệnh này ở người.
Cụ thể, ca tử vong xảy ra ở một bé gái 11 và cha em cũng được xác định dương tính với H5N1.
Năm 2020, một đợt bùng phát H5N1 đã chứng kiến số lượng chết kỷ lục của gia cầm hoang dã và gia cầm nuôi ở nhiều nước. Đáng chú ý là tỉ lệ lây nhiễm từ gia cầm sang động vật vú (bao gồm gấu, chồn, lợn, gấu trúc…) ngày càng tăng và thậm chí có một số trường hợp lây sang người.
Mặc dù virus H5N1 đã tồn tại hơn 20 năm nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy nó đã chuyển sang giai đoạn lây truyền từ người sang người. Dù vậy, khả năng virus tiến hóa hơn nữa để gây ra những đợt bùng phát thảm khốc ở người vẫn tồn tại.
Dưới đây là những thông tin cần biết về dịch cúm gia cầm H5N1 và khả năng bệnh lây nhiễm cho con người, theo trang tin Bloomberg.
|
Biết gì về cúm H5N1 và khả năng lây nhiễm cho con người. Ảnh: REUTERS |
Sự lây lan kinh khủng của virus cúm gia cầm
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), chỉ riêng ở Mỹ, dịch cúm gia cầm đã ảnh hưởng đến gần 60 triệu con gia cầm kể từ tháng 1-2022.
Ngoài ra, hơn 50 triệu gia cầm bị tiêu hủy ở 36 quốc gia châu Âu trong khoảng từ tháng 10-2021 đến tháng 9-2022.
Tại Anh, đã có 10 báo cáo về các trường hợp lây nhiễm dịch bệnh sang động vật hoang dã không phải chim kể từ đầu năm 2022, bao gồm cả cáo đỏ, rái cá và hải cẩu.
Nguy cơ lây sang con người?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), từ năm 2020 đến năm 2022, chỉ có 9 trường hợp cúm gia cầm được xác nhận ở người.
Thông thường, bệnh nhân là do tiếp xúc trực tiếp với gia cầm nhiễm bệnh. Theo CDC, các loại virus hiện đang lưu hành không có những biến đổi về mặt di truyền để có thể lây nhiễm sang người dễ dàng hoặc gây ra các triệu chứng nghiêm trọng.
Các biến thể hiện hành không thể dễ dàng liên kết với các thụ thể ở đường hô hấp của con người. Chẳng hạn, năm 2022, trong đợt bùng phát cúm gia cầm tại một trang trại nuôi chồn ở Tây Ban Nha, đã có hơn 50.000 con chồn bị tiêu hủy nhưng công nhân ở trang trại không có dấu hiệu nhiễm bệnh.
Một báo cáo của Cơ quan An toàn Thực phẩm Châu Âu (EFSA) công bố vào tháng 1 đã đặt nguy cơ đối dịch cúm gia cầm ở nhân loại ở mức thấp. Kết luận này tương tự như báo cáo của WHO.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại chính là khả năng chủng cúm ở gia cầm có thể kết hợp với chủng cúm ở người, dẫn đến một phiên bản mới dễ dàng lây truyền từ người sang người.
Mặc dù hiện không có bằng chứng về điều này, nhưng có những dấu hiệu cho thấy cúm gia cầm có thể đã bắt đầu lây lan ở các loài động vật có vú khác.
Một báo cáo sau đợt bùng phát tại trang trại chồn đã cung cấp bằng chứng cho thấy các loài động vật có vú có thể đóng vai trò là trung gian tạo ra các biến thể mới để truyền bệnh giữa các loài.
Đầu năm nay, hơn 500 con sư tử biển ở Peru đã chết vì nhiễm cúm gia cầm, một dấu hiệu khác cho thấy virus có thể lây lan dễ dàng hơn ở các loài động vật có vú. Càng nhiều động vật nhiễm bệnh thì tỉ lệ lây nhiễm cho con người càng cao.
Dù con người ít khi nhiễm các loại bệnh từ động vật như cúm gia cầm, nhưng tỉ lệ tử vong do mắc bệnh này trong quá khứ là rất cao. Có 457/868 người nhiễm bệnh từ năm 2003 đến 2019 tử vong.
Các triệu chứng bệnh
Đối với gia cầm, triệu chứng nhiễm bệnh ban đầu thường không rõ ràng ở vịt, sau đó suy đa cơ quan và chết, còn ở gà tỉ lệ tử vong là 100% chỉ trong vài ngày nhiễm bệnh.
Đối với động vật có vú, triệu chứng nhiễm bệnh gây bất ngờ cho các chuyên gia y tế.
Ba con gấu xám ở bang Montana (Mỹ) đã chết do cúm gia cầm sau khi có các triệu chứng như mất phương hướng và mù. Với sư tử biển, triệu chứng nhiễm cúm gia cầm là co giật và khó khăn trong bơi lội. Đối với chồn, các triệu chứng bao gồm chán ăn, trầm cảm, chảy máu ở miệng và các vấn đề về thần kinh như thiếu khả năng phối hợp, đi lại khó khăn, cơ thể run rẩy.
Ở người, virus H5N1 đã gây ra các triệu chứng từ nhiễm trùng nhẹ ở mắt và đường hô hấp đến viêm phổi nặng.
Chuẩn bị ứng phó nguy cơ dịch bệnh xảy ra ở người
Mặc dù các đợt bùng phát ngày nay chủ yếu xảy ra ở động vật, WHO cho biết cơ quan này đang nỗ lực chuẩn bị ứng phó và đã có sẵn thuốc kháng virus cùng 20 loại vaccine phòng H5N1 và sẽ cập nhật để phù hợp hơn với chủng đang lưu hành (nếu cần).
CDC cho biết đang theo dõi chặt chẽ tình hình để chuẩn bị cho các mối đe dọa trong tương lai và thực hiện các biện pháp phòng ngừa, bao gồm cả việc nghiên cứu khả năng tiêm phòng.
Theo CDC, điều quan trọng hiện tại là phải phát hiện và ngăn chặn các đợt bùng phát ở người càng sớm càng tốt.