Biết gì về UAV MQ-9 Reaper của Mỹ bị rơi ở Biển Đen?

(PLO)- Máy bay không người lái (UAV) Q-9 Reaper - UAV chủ lực của Không quân Mỹ bị rơi ở Biển Đen có thể trinh sát và tấn công.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 14-3, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết một máy bay quân sự Nga đã va vào cánh quạt của UAV Mỹ trên Biển Đen khiến UAV rơi xuống, mất tích trên vùng biển quốc tế, theo báo The New York Times.

Cụ thể, phía Mỹ nói rằng có 2 máy bay phản lực Su-27 của Nga đã liều lĩnh đánh chặn UAV MQ-9 Reaper của Mỹ trong không phận quốc tế. Sau đó, 1 chiếc Su-27 đã va chạm với chiếc UAV MQ-9 "Reaper" và khiến UAV này rơi xuống biển.

Bộ Quốc phòng Nga bác bỏ thông tin cho rằng máy bay của Nga đã va vào UAV Mỹ và cho rằng chính UAV này “thao tác gấp” nên bị rơi. Phía Nga cũng cho biết chiếc UAV này được phát hiện gần bán đảo Crimea.

MQ-9 Reaper là UAV cỡ lớn

MQ-9 Reaper là loại UAV cỡ lớn do nhà thầu quân sự General Atomics Aeronautical Systems sản xuất.

MQ-9 Reaper là một trang thiết bị chủ lực của Không quân Mỹ và được sử dụng cho cả mục đích trinh sát lẫn tấn công. Vì là UAV trinh sát nên nó được trang bị cảm biến hình ảnh và camera phục vụ mục tiêu này, theo The New York Times.

UAV MQ-9 Reaper trước khi làm nhiệm vụ vào tháng 11-2022 tại bang Arizona. Ảnh: GETTY IMAGES

UAV MQ-9 Reaper trước khi làm nhiệm vụ vào tháng 11-2022 tại bang Arizona. Ảnh: GETTY IMAGES

UAV do một nhóm phi công và người vận hành cảm biến trên mặt đất điều khiển từ xa. Trong đó, đội phi công điều khiển quá trình cất cánh, đường bay và hạ cánh, trong khi người điều khiển cảm biến điều khiển camera và thiết bị giám sát.

UAV này dài 11m với sải cánh hơn 22m, có thể đạt tốc độ lên đến 442 km/giờ và bay ở độ cao 15.240m. UAV được thiết kế để thực hiện nhiệm vụ trong thời gian khá dài, một số mẫu UAV loại này có khả năng bay tới 34 giờ, theo nhà thầu General Atomics Aeronautical Systems.

Mặc dù UAV Reaper có thể thả bom và phóng hỏa tiễn nhưng với tốc độ bay chậm và thiếu vũ khí phòng thủ khiến nó tương đối dễ bị bắn hạ.

Lịch sử và độ phổ biến của UAV MQ-9 Reaper

UAV đã được quân đội Mỹ sử dụng thường xuyên từ năm 1995. Tiền thân của Reaper - UAV Predator đã được triển khai để hỗ trợ các cuộc không kích của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương ở Serbia cũng như dùng trong chiến tranh ở Iraq và Afghanistan, theo tờ Guardian.

Đến năm 2017, UAV Predator “nghỉ hưu” và MQ-9 Reaper thế vào vị trí đó, trở thành UAV chủ lực của Lực lượng Không quân Mỹ.

MQ-9 Reaper là phiên bản mới hơn, lớn hơn của máy UAV MQ-1 Predator. So với MQ-1 Predator, Reaper bay nhanh hơn, có cảm biến tốt hơn và có thể mang nhiều đạn dược hơn, theo một thông báo của Không quân Mỹ.

Tiêm kích Su-27 Nga trong một cuộc diễu binh ở TP St. Petersburg. Ảnh: EPA

Tiêm kích Su-27 Nga trong một cuộc diễu binh ở TP St. Petersburg. Ảnh: EPA

Vào thời điểm năm 2017, việc sử dụng UAV trong Lực lượng Không quân Mỹ phổ biến đến mức số lính vận hành UAV nhiều hơn lính vận hành những trang thiết bị khác. Cụ thể, trong khi có 1.000 phi công vận hành UAV thì chỉ có 889 phi công lái máy bay vận tải C-17 và 803 tiêm kích F-16.

Hiện tại, Mỹ là nước có số lượng UAV Reaper lớn nhất. Theo Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ, Lực lượng Không quân đã ký hợp đồng mua 366 chiếc Reaper kể từ năm 2007, với chi phí trung bình là 28 triệu USD mỗi chiếc UAV.

Ngoài ra, Anh, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Ấn Độ, Nhật và Hà Lan cũng đang sử dụng loại UAV này.

Năm ngoái truyền thông Mỹ đưa tin rằng Lực lượng Không quân Mỹ đang xem xét bán UAV Reaper cũ cho Ukraine. Tuy nhiên, vì lo ngại về việc chuyển giao công nghệ nhạy cảm và nguy cơ cao UAV này sẽ bị bắn hạ khiến việc thảo luận về vấn đề này bị “đóng băng”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm