'Biết rõ đồng hồ Thụy Sĩ giá chỉ 1 triệu đồng là hàng dỏm mà vẫn bán'

(PLO)- Thương mại điện tử tại Việt Nam ngày càng phát triển mang lại nhiều tiện ích cho người dân nhưng hàng giả là vấn nạn rất nhức nhối.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 9-12, Cục Sở hữu Trí tuệ - Văn phòng đại diện tại TP. HCM, Hội sáng chế Việt Nam và Công ty Vina CHG phối hợp tổ chức hội thảo “Ứng dụng chuyển đổi số trong công tác phòng chống hàng giả”.

Ông Trần Giang Khuê, Trưởng văn phòng đại diện phía Nam Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT), cho biết thời gian qua chuyển đổi số đã có tác động tích cực cho DN, cộng đồng xã hội, đặc biệt giúp nâng cao sức cạnh tranh của DN trong kinh doanh.

Song song đó là vấn nạn hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT len lỏi mọi ngóc ngách, các chợ đầu mối, chợ nhỏ, chợ đêm, siêu thị nhỏ.

Đáng chú ý, rất nhiều trang thương mại điện tử (TMĐT) bán hàng không rõ xuất xứ nguồn gốc, không rõ sản phẩm có phải chính hãng không và người mua không kiểm soát được chất lượng.

Bên cạnh đó, trên Tiktok, Facebook, Zalo, Viber và những trang mạng khác bán rất nhiều hàng giả, kể cả giả những thương hiệu uy tín quốc tế.

Doanh nghiệp trưng bày phân biệt hàng giả tại hội thảo

Doanh nghiệp trưng bày phân biệt hàng giả tại hội thảo

Tương tự, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Hội Sáng Chế Việt Nam nhìn nhận, các đối tượng vi phạm có nhiều phương thức như tạo website giả, quảng cáo hàng hóa qua internet rất đẹp nhưng khi đến tay NTD lại không như vậy.

Trong khi đó, các nhà mạng, website, ứng dụng… cũng cần có trách nhiệm. Khi thấy thông tin các sản phẩm "hàng hiệu" như đồng hồ Thụy Sĩ phiên bản đặc biệt nhưng giá chỉ 1 triệu đồng thì chắc chắn là hàng giả mà chủ website, ứng dụng vẫn cho phép đăng.

Ông Khuê cho rằng quy định pháp luật đầy đủ nhưng công tác xử lý của lực lượng chức năng gặp khó khăn.

Đơn cử riêng tên miền website thì hiện nay cơ quan chức năng chỉ xử lý được tên miền “.vn” còn tên miền “.com” là không xử lý được.

Đồng thời, theo quy định pháp luật vi phạm hành chính trong kinh doanh hàng giả, hàng nhái... phạt tối đa cá nhân 250 triệu đồng, đối với tổ chức 500 triệu đồng, đây là con số rất nhỏ.

“Trong khi trên mạng một chai rượu có giá bán 180 triệu đồng, thậm chí có những chai giá 1 tỉ đồng hay điện thoại Thụy Sỹ được bán ba tỉ, năm tỉ đồng là bình thường. Nếu bán hàng giả là siêu lợi nhuận, so với mức phạt vài trăm triệu đồng không đủ răn đe đối tượng vi phạm” - ông Khuê nói.

Để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, tạo môi trường DN cạnh tranh lành mạnh, ông Khuê cho rằng cơ quan chức năng cần tuyên truyền nâng cao nhận thức về SHTT nói riêng, chống hàng giả nói chung.

Đặc biệt, DN áp dụng chuyển đổi số trong chống hàng giả, áp dụng các biện pháp công nghệ nhận diện, giải pháp công nghệ mã số mã vạch, blockchain, trí tuệ nhân tạo…

Đồng thời, cần rà soát sửa đổi luật SHTT, các luật liên quan… tránh chồng chéo để xử lý rốt ráo vi phạm xâm phạm SHTT và hàng giả.

Trong khi đó, ông Nguyễn An Sơn, Trưởng phòng Phòng phát triển dự án, Trung tâm tin học và công nghệ số, Cục TMĐT, khuyến cáo NTD nên mua sản phẩm ở những website đã thông báo với Bộ Công Thương.

NTD nên mua ở các gian hàng hàng chính hãng trên sàn TMĐT, không thỏa hiệp với hàng giả, hàng nhái giá chỉ vài trăm ngàn đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm