Biểu tình Mỹ đêm thứ tám: Bớt nóng

Tối 2-6 (giờ Mỹ, tức sáng 3-6 theo giờ Việt Nam), làn sóng biểu tình tại Mỹ phản đối vụ việc một cảnh sát da trắng dùng gối ghè cổ một người đàn ông da màu tên George Floyd đến chết đã bước sang đêm thứ tám.

Xét về toàn cảnh, đêm biểu tình thứ tám đã có phần bớt bạo lực hơn các đêm trước, phần nào nhờ vào các động thái điều chỉnh giờ giới nghiêm lên sớm hơn ở các địa phương.

New York đã yên tĩnh hơn

Tại quận Manhattan, TP New York (bang New York), trong ngày 2-6 biểu tình chủ yếu diễn ra hòa bình, nhưng căng thẳng bắt đầu tăng khi đêm đến, đặc biệt vào thời điểm giới nghiêm (8 giờ tối). Đây cũng là lúc các phần tử cơ hội bắt đầu tấn công, cướp bóc các cửa hàng ở Manhattan.

Người biểu tình trên đường phố Manhattan (New York) ngày 2-6. Ảnh: LOKMAN VURAL ELIBOL/ANADOLU AGENCY/GETTY IMAGES

Tình hình tối 2-6 căng thẳng hơn so với các tối trước đó, theo CNN. Một phóng viên CNN tại hiện trường cho biết anh thấy nhiều kẻ cướp bóc mang rượu từ các cửa hàng chạy ra, sau đó gia nhập vào một nhóm biểu tình hòa bình. Dù thế có vẻ cảnh sát có thái độ nhân nhượng hơn với người biểu tình, không bắt bớ nhiều như trước.

Cảnh sát bắt một người biểu tình vi phạm lệnh giới nghiêm ở New York ngày 2-6. Ảnh: WONG MAYE-E/AP

Thị trưởng New York Bill de Blasio quyết định điều chỉnh giờ bắt đầu giới nghiêm từ 11 giờ đêm sang 8 giờ đêm đến 5 giờ sáng hôm sau. Lý do theo ông vì khung giờ giới nghiêm trễ không chặn được bạo lực và cướp bóc.

Ông de Blasio cũng khẳng định tình trạng cướp bóc chỉ là thiểu số, còn phần lớn biểu tình tại TP vẫn diễn ra hòa bình.

Dù Tổng thống Donald Trump thúc giục triển khai Vệ binh Quốc gia ở TP New York nhưng ông de Blasio vẫn nói ông cảm thấy việc này sẽ chỉ mang lại hậu quả tiêu cực hơn và làm tăng rủi ro bạo lực thậm chí khiến có người mất mạng.

Người biểu tình mặc áo thun in hình cựu Tổng thống Barack Obama tại khu Bronx, TP New York ngày 2-6. Ảnh: MARK LANNIHAN/AP

Ngày 2-6 ông Trump tiếp tục lên Twitter chỉ trích tình hình biểu tình ở New York và thái độ chậm trễ của chính quyền bang này trong xử lý bạo loạn.

“Khi nào Thống đốc (Andrew) Cuomo mới nhờ đến chính quyền liên bang giúp đỡ?” – ông Trump viết trên Twitter.

Ngày 1-6 Tổng thống Mỹ Donald Trump thề sẽ viện đến quân đội nếu bạo lực không giảm.

1.000 Vệ binh Quốc gia được triển khai ở Los Angeles

Tại Los Angeles (bang California), tầm hơn 11 giờ khuya 2-6 vẫn còn một nhóm người biểu tình tập trung bên ngoài nhà thị trưởng TP. Nhiều người biểu tình ngồi trên phố.

Cảnh sát tiếp tục ra quân giải tán và bắt giữ những người vi phạm lệnh giới nghiêm, theo CNN. Sở cảnh sát Los Angeles cho biết đã bắt hàng trăm người biểu tình. Dù thế CNN cho rằng so với những địa phương khác thì tình hình biểu tình, bạo lực và bắt bớ ở Los Angeles vẫn yên tĩnh hơn nhiều.

1.000 Vệ binh Quốc gia được triển khai trên đường phố Los Angeles, theo Thị trưởng Eric Garcetti.

Thị trưởng Eric Garcetti sát cánh cùng người biểu tình trên đường phố Los Angeles. Ảnh: KENT NISHIMURA/ LOS ANGELES TIMES

Theo Thị trưởng Garcetti, lực lượng Vệ binh Quốc gia sẽ truy đuổi những phần tử cơ hội, cướp bóc, kích động bạo lực cho đến tận ngày chấm dứt giới nghiêm. Đến tối 2-6, lệnh giới nghiêm ở Los Angeles đã kéo dài ba ngày, bắt đầu từ 6 giờ tối đến 6 giờ sáng hôm sau.

1.600 Vệ binh Quốc gia được triển khai đến thủ đô

Tại thủ đô Washington DC, biểu tình diễn ra chủ yếu trong khu vực từ công viên Lafayette đến khu DuPont. Các đám đông biểu tình vẫn tụ tập trên các tuyến đường dù đã tới giờ giới nghiêm (7 giờ tối). Theo CNN, lượng người biểu tình buổi tối ít hơn ban ngày nhưng vẫn còn cả hàng trăm người gần khu vực công viên Lafayette cách Nhà Trắng chỉ vài khối nhà. Dù thế theo nhận định của CNN, biểu tình tại thủ đô đêm 2-6 hòa bình và yên tĩnh hơn các đêm trước đó.

Người biểu tình trước Nhà Trắng ở thủ đô Washington DC ngày 2-6. Ảnh: OLIVIER DOULIERY/AFP/GETTY IMAGES

Tối 2-6, Bộ Quốc phòng xác nhận đã di chuyển 1.600 Vệ binh Quốc gia từ hai doanh trai Fort Bragg và Fort Drum đến thủ đô Washington DC để hỗ trợ chính quyền dân sự ở thủ đô nếu cần thiết. Lực lượng này đang trong tình trạng báo động cao, nhưng vẫn chưa nhận lệnh triển khai hành động.

Trong ngày 2-6, lực lượng Vệ binh Quốc gia tại Washington DC cho biết sẽ điều tra việc trực thăng quân sự được triển khai trên bầu trời thủ đô tối 1-6. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Chris Mitchell nói với CNN rằng chiếc trực thăng UH-72 được triển khai để giám sát các vị trí hoạt động của Vệ binh Quốc gia tại thủ đô.

Các điểm nóng khác

Tại TP Seattle (bang Washington) ngày 2-6, Thị trưởng Jenny A. Durkan ký sắc lệnh dân sự kéo dài lệnh giới nghiêm đến ngày 6-6, bắt đầu từ 9 giờ tối đến 5 giờ sáng mỗi đêm.

Trong sắc lệnh, ông Durkan viện dẫn tình trạng bạo lực và cướp bóc, và cả mối nguy COVID-19 vẫn hiện diện ở địa phương. Lệnh giới nghiêm không áp dụng với lực lượng thi hành luật pháp, nhân viên khẩn cấp, công chức chính quyền, nhân viên truyền thông.

Cảnh sát TP Atlanta, bang Georgia chuẩn bị thực thi lệnh giới nghiêm, tối 2-6. Ảnh: CNN

Tại TP Portland (bang Oregon), có từ 7.000-10.000 người xuống đường biểu tình tối 2-6, theo Sở cảnh sát Portland.

Tại TP Milwaukee (bang Wisconsin), xung đột giữa cảnh sát và người biểu tình bạo lực vẫn diễn ra. Cảnh sát bắn hơi cay vào người biểu tình sau khi hứng gạch đá từ người biểu tình ném sang.

Vợ chồng cựu Tổng thống Bush lên tiếng

Theo CNN, các chuyên gia y tế do gia đình ông Floyd thuê và Cơ quan Giám định y khoa quận Hennepin kết luận vụ ông Floyd chết là giết người.

Người biểu tình tại TP Minneapolis, bang Minnesota – nơi ông Floyd bị cảnh sát ghè cổ đến chết, ngày 2-6. Ảnh: CHANDAN KHANNA/AFP/GETTY IMAGES

Theo đài ABC News, ngày 2-6 gia đình cựu Tổng thống George W. Bush ra tuyên bố về biểu tình. Trong tuyên bố, vợ chồng vị cựu tổng thống Cộng hòa nói ông bà cảm thấy đau lòng vì cái chết của ông Floyd và vì tình trạng mất công lý, sợ hãi. Theo ông bà Bush, giờ là lúc để nước Mỹ lắng nghe và đánh giá lại các thất bại.

Ngày 2-6, Facebook cho biết đã đóng cửa một số tài khoản có liên quan đến một nhóm bạo lực có tên Bảo vệ nước Mỹ. Trên các tài khoản này, người dùng bàn chuyện mang vũ khí đến các cuộc biểu tình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm