Biểu tình Mỹ lúc này: Hòa bình ban ngày, bạo động ban đêm

Tình hình biểu tình tại Mỹ phản đối vụ một cảnh sát da trắng dùng đầu gối ghè cổ người đàn ông da màu George Floyd đến chết đến thời điểm này chủ yếu diễn ra hòa bình, theo nhận định của đài CNN.

Hòa bình ban ngày, bạo động ban đêm

Tại TP Denver (bang Colorado) ngày 1-6, cảnh sát trưởng Paul Pazen sát cánh xuống đường cùng người biểu tình. Trao đổi với CNN ông Pazen nói ông cảm thấy được truyền cảm hứng từ hành động và lời nói của người biểu tình, và chúng sẽ giúp dẫn đường cho hoạt động của cơ quan cảnh sát ông “khi chúng tôi nhân ra chúng tôi vẫn còn vấn đề phải cải thiện”.

Ông Pazen cho biết nhiều người biểu tình đã nói với ông rằng họ cảm thấy mệt mỏi, thậm chí sợ hãi, nhưng họ không muốn có cảm giác thế này thêm lần nào nữa.

Ông Paul Pazen - Cảnh sát trưởng TP Denver (bang Colorado) vòng tay cùng tuần hành với người biểu tình, ngày 1-6. Ảnh: MICHAEL CIAGLO/ GETTY IMAGES

Ông Pazen nói ông muốn đối thoại và “ủng hộ biểu tình hòa bình”. Tuy nhiên ông Pazen cũng bảo vệ quyết định bắt 54 người biểu tình trong ngày 1-6 ở Denver, chủ yếu vì vi phạm lệnh giới nghiêm. Ông Pazen cũng đã sa thải một cảnh sát đưa lên mạng xã hội phát ngôn kêu gọi “bắt đầu bạo động”.

Dù biểu tình ở Mỹ phần lớn hòa bình nhưng tình trạng bạo loạn, cướp bóc cũng diễn ra nhiều ở các TP New York, Los Angeles, Chicago, Philadelphia…

Theo hãng tin AFP, ngày 2-6, lãnh đạo khắp nước Mỹ đang nỗ lực tìm cách giảm thiểu tình hình bạo động. Nhiều biện pháp đã được áp dụng như mở rộng lệnh giới nghiêm, đối thoại hơn với người biểu tình.

Tại TP New York (bang New York) ngày 2-6, lần đầu tiên kể từ chiến tranh thế giới thứ hai, chính quyền TP quyết định kéo dài lệnh giới nghiêm tới cả một tuần để đối phó tình trạng bạo lực, cướp bóc, hôi của nhân biểu tình.

Một ngân hàng ở TP New York bị đập vỡ cửa. Ảnh: AFP/JOHANNES EISELE

Tối 1-6, lệnh giới nghiêm bắt đầu từ 11 giờ đêm. Tuy nhiên lệnh giới nghiêm này không ngăn được các phần tử cơ hội đập phá, cướp bóc các cửa hàng. Hầu hết các cuộc biểu tình ở TP New York khi mới bắt đầu vào ban ngày đều hòa bình, nhưng đến đêm lại có phần chuyển sang bạo lực.

Để hạn chế điều này, TP New York sẽ kéo dài giới nghiêm đến hết tuần này và nâng giờ giới nghiêm bắt đầu từ 8 giờ tối mỗi đêm.

“Chúng tôi sẽ có những bước đi ngay lập tức để đảm bảo hòa bình và trật tự” – ông Bill de Blasio, Thị trưởng New York tuyên bố.

Ngày biểu tình 2-6 cũng bắt đầu hòa bình với hàng ngàn người xuống đường tuần hành ở khu Manhatan, quỳ gối và hô to: "George Floyd, George Floyd".

Tình hình TP Minneapolis (bang Minnesota) – nơi xảy ra vụ cảnh sát da trắng dùng gối ghè cổ ông Floyd đến chết - khá hòa bình. Tuy nhiên tạo TP St Louis gần đó – vốn có lịch sử căng thẳng chủng tộc lâu nay – có tới bốn cảnh sát bị bắn, may mắn không ai bị nguy kịch tính mạng.

Em trai ông Floyd – ông Terrence Floyd tại địa điểm anh trai mình bị viên cảnh sát da trắng dùng gối ghè cổ tới chết, TP Minneapolis, bang Minnesota (Mỹ). Ảnh: REUTERS

Chính quyền TP Minneapolis cho biết sẽ mở cuộc điều tra về việc bảo đảm quyền công dân tại Sở cảnh sát Minneapolis trong quá trình hoạt động cả 10 năm trở lại đây.

Tại TP Los Angeles (bang California) – một trong hàng chục TP hứng chịu bạo động nghiêm trọng, Thị trưởng Eric Garcetti và nhiều cảnh sát đã quỳ gối giữa đường như một biểu tượng thể hiện sự đoàn kết với người biểu tình.

Người biểu tình bị bắt ở Hollywood, bang California (Mỹ) vì vi phạm lệnh giới nghiêm. Ảnh: AFP/ROBYN BECK

“Có một gương mặt da đen không phải là lời tuyên án tử, không phải lý do cho việc phải vô gia cư, cho việc chịu bệnh tật, hay cho việc phải chịu thất nghiệp, hay cả việc phải chịu học vấn thấp” – ông Garcetti nói với người biểu tình.

“Chúng ta cần một đất nước biết lắng nghe” – theo ông Garcetti.

Một cảnh sát ở TP Las Vegas (bang Nevada) đang nguy kịch vì bị bắn vào đầu. Nghi can bắn viên cảnh sát này đã bị bắt.

Ông Trump quyết cứng rắn

Tại thủ đô Washington, ngày 2-6, hàng ngàn người tiếp tục cuộc tuần hành hòa bình “Gìn giữ mạng sống người da đen”. Nhiều trực thăng được triển khai bay trên đầu người biểu tình.

Ngày 1-6, cảnh sát liên bang bắn hơi cay và đạn cao su để giải tán cuộc biểu tình – mà theo AFP là không bạo lực – tại công viên Lafayette bên ngoài Nhà Trắng nhằm dọn đường cho ông Trump đi tới nhà thờ St John’s Episcopal gần đó, nơi trước đó bị các phần tử bạo loạn đập phá.

Người biểu tình bị cảnh sát bắn hơi cay gần Nhà Trắng. Ảnh: AFP/ROBERTO SCHMIDT

Ngày 2-6, tầm thời điểm giới nghiêm (7 giờ tối)  có nhiều xe quân sự xuất hiện trên đường phố thủ đô, phong tỏa một số nút giao thông. Ngày trước đó, ông Trump dọa sẽ viện đến lực lượng quân đội để đối phó bạo loạn. Ông Trump đang đối mặt với sự chỉ trích rộng rãi vì phát ngôn này.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cầm bản Kinh Thánh bên ngoài nhà thờ St John’s Episcopal gần công viên Lafayette, sau khi cảnh sát liên bang giải tán người biểu tình. Ảnh: AFP/BRENDAN SMIALOWSKI

 Thái độ cứng rắn này tiếp tục được ông Trump thể hiện trong ngày 2-6. Trên Twitter, ông Trump chỉ trích một số lãnh đạo địa phương – đặc biệt nhắc tới lãnh đạo Dân chủ của chính quyền bang New York – đã nhẹ tay với làn sóng biểu tình bạo động.

“Hôm qua là một ngày buồn với anh em nhà Cuomo (Thống đốc New York Andrew Cuomo và em trai ông là nhà báo Chris Cuomo của đài CNN – PV). New York đã mất về tay bọn cướp bóc, sát nhân, bọn cánh tả cực đoan, và tất cả mọi loại người vô đạo đức và cặn bã. Thống đốc từ chối nhận đề nghị của tôi đưa thêm Vệ binh Quốc gia tới. TP New York đã bị xét nát thành từng mảnh. Cũng vậy, tỷ lệ người xem với Fredo cũng giảm 50%” – ông Trump viết trên Twitter ngày 2-6.

Ông Terence Monahan, cảnh sát trưởng TP New York cùng quỳ với người biểu tình. Ảnh: AP

Cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden – người khả năng lớn sẽ đại diện đảng Dân chủ cạnh tranh với ông Trump trong cuộc đua tổng thống cuối năm nay – lên án việc cảnh sát dùng bạo lực với người biểu tình ở công viên Lafayette là một sự lạm dụng quyền lực. Ông Biden tuyên bố nếu được bầu làm tổng thống thì một việc ưu tiên của ông là giải quyết tình trạng “phân biệt chủng tộc có hệ thống” ở nước Mỹ.

“Ông Donald Trump đã biến đất nước này thành một chiến trường bằng sự oán giận xưa cũ và những nỗi sợ hãi mới. Ông ấy nghĩ sự chia rẽ sẽ giúp ích cho ông ấy. Tính tự luyến của ông ấy trở nên quan trọng hơn sự tốt đẹp của đất nước” – ông Biden phát biểu tại TP Philadelphia (bang Pennsylvania), nơi cũng hứng chịu nhiều bạo động.

Biểu tình tại Mỹ diễn ra sau sự việc xảy ra tại TP Minneapolis (bang Minnesota) ngày 25-5. Ông Floyd chết sau khi bị cảnh sát da trắng dùng gối ghè lên cổ gần chín phút. Viên cảnh sát da trắng tên Derek Chauvin đã bị bắt và bị cáo buộc tội giết người.

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas kêu gọi người biểu tình nên hòa bình và tôn trọng luật pháp hơn.

“Tôi hy vọng các cuộc biểu tình hòa bình này sẽ không trượt dài vào bạo lực thêm nữa, nhưng hơn thế tôi hy vọng họ sẽ làm được điều khác biệt ở Mỹ” – ông Maas nói với các nhà báo.

Cả Đức, Anh và Úc đều bày tỏ lo ngại về sự an toàn của lực lượng nhà báo đưa tin về làn sóng biểu tình. Đã có nhiều nhà báo bị thương vì đưa tin về biểu tình.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm