Lo ông Trump ‘liên bang hóa’ Vệ binh Quốc gia xử lý biểu tình

Làn sóng biểu tình sau vụ một cảnh sát da trắng kẹp cổ khống chế người đàn ông da màu George Floyd đến chết vẫn đang rất căng thẳng và nguy hiểm.

Tình hình nóng đến mức hai ngày trước Bộ Quốc phòng Mỹ đã chỉ đạo quân đội đặt 800 quân cảnh vào tình trạng báo động sẵn sàng đối phó biểu tình. Chính quyền nhiều bang cũng đã kích hoạt lực lượng Vệ binh Quốc gia trong bang mình để sẵn sàng triển khai giữ an ninh.

Ông Trump kiềm chế

Giữa lúc này có lo ngại rằng Tổng thống Donald Trump sẽ giành quyền kiểm soát lực lượng Vệ binh Quốc gia về chính phủ liên bang để xử lý biểu tình.

Tuy nhiên hãng tin Reuters dẫn lời Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O'Brien ngày 31-5 cho biết ông Trump sẽ chưa làm điều này vào thời điểm này.

“Chúng tôi sẽ không yêu cầu lực lượng Vệ binh Quốc gia tuân phục chính phủ liên bang lúc này, nếu cần thiết chúng tôi có nhiều nhân tố quân đội có thể triển khai. Chúng tôi sẽ làm tất cả những gì các thống đốc và các thị trưởng cần để kiểm soát các TP” – ông O’Brien nói với các nhà báo tại Nhà Trắng.

Từ trái qua: Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O'Brien, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, Tổng thống Mỹ Donald Trump, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin họp báo tại Nhà Trắng ngày 29-5. Ảnh: REUTERS

Trước đó, trong ngày 31-5, lực lượng Vệ binh Quốc gia nói 5.000 binh sĩ thuộc lực lượng này đã được kích hoạt ở 15 bang và ở thủ đô Washington DC, nhưng hiện “các cơ quan cảnh sát các bang và địa phương vẫn chịu trách nhiệm giữ an ninh”.

Chuyện tổng thống “liên bang hóa” lực lượng Vệ ninh Quốc gia là hiếm hoi, chỉ xảy ra 12 lần từ giữa thế kỷ 19 đến nay, chủ yếu trong thời kỳ nội chiến ở thập niên 1960, theo thông tin từ văn phòng báo chí của lực lượng này. Chuyện này cũng không xảy ra trong các vụ bạo động sau cái chết của một số người da đen vì tay người da trắng những năm gần đây ở Ferguson, Missouri, và Baltimore.

Từ ngày 30-5 chính quyền bang Minnesota - nơi xảy ra sự việc cảnh sát da trắng ghì chết người da màu đã cảnh báo sẽ kích hoạt toàn diện lực lượng Vệ binh Quốc gia ở bang – động thái đầu tiên kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai.

Hiện lực lượng Vệ binh Quốc gia tại bang này đã vũ trang sẵn sàng sau khi Cục Điều tra liên bang phát hiện có “một đe dọa chết người đáng tin”, theo sĩ quan Jon Jensen quản lý lực lượng này ở bang Minnesota. Sĩ quan Jensen đã báo với Thống đốc Tim Walz của bang Minnesota về đe dọa này. Và ông Walz đã đồng ý vũ trang lực lượng Vệ binh Quốc gia trong bang.

Biểu tình tại TP Sanit Paul, bang Minnesota (Mỹ) ngày 31-5. Ảnh: REUTERS

Ngoài Minnesota, các bang Colorado, Georgia, Kentucky, Ohio, Pennsylvania, North Carolina, South Carolina, Texas và Washington cũng đã kích hoạt lực lượng Vệ binh Quốc gia. Ngoài ra còn có thêm 2.000 binh sĩ nữa cũng đã sẵn sàng kích hoạt nếu cần thiết.

Thống đốc Gavin Newsom của bang California đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp và triển khai Vệ binh Quốc gia đến TP Los Angeles.

Ngày 31-5, Thống đốc các bang New York và Virginia nói sẽ đặt lực lượng Vệ binh Quốc gia ở bang mình vào tình trạng sẵn sàng đối phó biểu tình.

Nói với các nhà báo, sĩ quan Thomas Carden quản lý lực lượng Vệ binh Quốc gia bang Georgia cho rằng không nên để chuyện này triển khai Vệ binh Quốc gia đối phó biểu tình trở thành thói quen ở Mỹ.

Vệ binh Quốc gia là một phần của các lực lượng vũ trang Mỹ, chịu trách nhiệm về các vấn đề an ninh, thiên tai, thảm họa trong nước. Trước diễn biến biểu tình này, lực lượng Vệ binh Quốc gia các bang cũng đã được kích hoạt để hỗ trợ đối phó đại dịch COVID-19.

Biểu tình không dịu, bất chấp lệnh giới nghiêm

Tại các TP lớn ở Mỹ, những cuộc biểu tình ban đầu mang tính chất hòa bình đã nhanh chóng chuyển sang bạo lực và vẫn chưa dịu đi dù các chính quyền địa phương đã áp dụng nhiều biện pháp như áp lệnh giới nghiêm.

Bất chấp lệnh giới nghiêm, biểu tình và bạo lực vẫn diễn ra ở nhiều TP như Atlanta (bang Georgia), Los Angeles (bang California), Philadelphia (bang Pennsylvania), Denver (bang Colorado), Cincinnati (bang Ohio), Portland (Oregon), Louisville (bang Kentucky)… Ngày 31-5 chính quyền TP Philadelphia đã dời lệnh giới nghiêm từ 8 giờ tối lên 6 giờ tối.

Tại nhiều địa phương, người biểu tình đập phá nhà cửa, phóng hỏa xe cộ, tấn công cảnh sát. Cảnh sát cũng bắn hơi cay và đạn cao su nỗ lực giải tán các đám đông biểu tình ở các TP. Tại nhiều TP, không chỉ người biểu tình mà cả người đi đường và một số lượng nhà báo cũng bị trúng đạn cao su hay hơi cay.

Xe cảnh sát bị phóng hỏa tại quận Brooklyn, TP New York, bang New York (Mỹ) ngày 30-5. Ảnh: REUTERS

Ngày 31-5 đã là ngày biểu tình thứ năm liên tiếp ở TP Minneapolis – nơi xảy ra sự việc cảnh sát da trắng ghì chết người da màu. Hàng trăm cửa hàng trong TP bị cướp phá.

Một đoạn video được quay ở TP Minnespolis cho thấy trên đường phố có xuất hiện một xe Humvee của lực lượng Vệ binh Quốc gia, theo sau là nhiều cảnh sát trang bị kỹ càng. Cảnh sát đã bắn nhiều vật thể chưa xác định vào nhóm người biểu tình, theo Reuters.

Tại TP New York (bang New York), chỉ trong ngày 30-5 cảnh sát đã bắt 350 người. 30 cảnh sát bị thương.

Ngày 31-5 xuất hiện một video quay tại quận Brooklyn cho thấy có 2 xe cảnh sát chạy đâm vào một đám đông biểu tình. Thị trưởng Bill de Blasio cho biết sẽ điều tra hành động của cảnh sát. Ông De Blasio nói ông có nghe thông tin một cảnh sát tháo mặt nạ của một người biểu tình da đen và xịt hơi cay vào mặt người này, dù người này đã giơ tay đầu hàng.

Hình ảnh người dân khắp nước Mỹ kéo nhau xuống đường không hề mang khẩu trang giữa mùa COVID-19 càng làm tăng nỗi lo dịch sẽ bùng phát thêm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm