ĐỐI THOẠI SHANGRI-LA VÀ ĐIỂM NÓNG KHU VỰC - BÀI 1

Biểu tượng chủ nghĩa đa phương

LTS: Từ ngày 31-5 đến ngày 2-6 tới, tại Singapore sẽ diễn ra Đối thoại Shangri-La lần thứ 12 - diễn đàn an ninh lớn và quan trọng nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Vấn đề biển Đông sẽ là chủ đề nóng tại diễn đàn. Dự kiến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ đến dự và làm diễn giả chính tại hội nghị.Pháp Luật TP.HCM xin giới thiệu đôi nét về diễn đàn này.

Đối thoại Shangri-La được thành lập bởi Viện Nghiên cứu Quốc tế (IISS) vào năm 2001 nhằm đáp ứng nhu cầu thiết thực về một diễn đàn khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Diễn đàn là nơi các bộ trưởng quốc phòng khu vực có thể tham gia đối thoại nhằm xây dựng niềm tin và vun đắp sự hợp tác an ninh trong thực tế.

Chiều dài lịch sử

Bản thân lịch sử hình thành của Đối thoại Shangri-La chứa đựng nhiều điều thú vị. Trong cuốn tiểu thuyết Đường chân trời bị lãng quên (The Lost Horizon), Shangri-La là một nơi chốn huyền thoại của những điều không tưởng đâu đó trên dãy Himalaya, một thiên đường nơi mà hòa bình và tình yêu ngự trị. Cũng là một sự trùng hợp lý thú khi nơi tổ chức cuộc đối thoại này là khách sạn Shangri-La của Singapore, một sự ẩn dụ không thể phù hợp hơn cho một diễn đàn bàn về an ninh khu vực.

Được chính thức thiết lập vào năm 2002, Đối thoại Shangri-La là sự hợp tác công tư giữa một bên là chính phủ Singapore và một bên là Viện Nghiên cứu Quốc tế (IISS), think-tank (*) nổi tiếng của Anh. Người Singapore mong muốn trở thành một cầu nối cho an ninh và ổn định khu vực, qua đó gia tăng uy tín của quốc gia, trong khi IISS cũng có mục đích tương tự trong giới nghiên cứu quốc tế. Dựa trên những thành tựu và uy tín mà think-tank này có được, đối thoại Shangri-La là cố gắng của IISS nhằm khỏa lấp chỗ trống quan trọng trong chuỗi các cuộc gặp thượng đỉnh liên quốc gia ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Biểu tượng chủ nghĩa đa phương ảnh 1

Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh tại diễn đàn Đối thoại Shangri-La 10 năm 2011. Ảnh: TƯ LIỆU

Vào đầu thể kỷ 21, khu vực châu Á-Thái Bình Dương đối diện với không ít những thách thức an ninh, từ những thách thức truyền thống tồn tại dai dẳng như tình hình eo biển Đài Loan, bán đảo Triều Tiên, tranh chấp Khasmir cho tới một mối đe dọa mới hình thành: Chủ nghĩa khủng bố. Song song đó, những mối quan ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc và câu hỏi về tính chính danh của siêu cường Mỹ ở khu vực cũng nổi lên ngày một rõ nét. Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, đã xuất hiện một số diễn đàn an ninh tiêu biểu. Đó là Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) - một “diễn đàn kênh 1” với ASEAN là trọng tâm, trong đó bộ trưởng ngoại giao của các nước trong khu vực cùng nhau tiến hành các đối thoại an ninh liên chính phủ ở cấp cao, hay Hội đồng Hợp tác An ninh châu Á-Thái Bình Dương (CSCAP) - một “diễn đàn kênh 2” bao gồm giới học giả và các nhà phân tích có uy tín.

Cơ chế đa phương và song phương

Trong bối cảnh tình hình an ninh khu vực có nhiều chuyển biến phức tạp và khó lường, cần có một diễn đàn mà ở đó các bộ trưởng quốc phòng có thể ngồi lại với nhau, xây dựng lòng tin và tăng cường các hợp tác an ninh một cách thực chất và hiệu quả hơn. IISS được lựa chọn để thiết kế nên một khái niệm mới trong hợp tác an ninh khu vực không chỉ do uy tín và thế mạnh trong nghiên cứu của tổ chức này mà còn do nó là tổ chức phi chính phủ nằm ngoài châu Á-Thái Bình Dương, không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ một quốc gia nào trong khu vực.

Đối thoại Shangri-La được IISS lấy ý tưởng từ Hội nghị Munich về Chính sách an ninh (Munich Conference on Security Policy, một diễn đàn an ninh từ năm 1962 tập hợp các chuyên gia, bộ trưởng quốc phòng, các quan chức an ninh cấp cao, các tướng lĩnh cũng như đại diện báo chí từ hơn 40 nước với cốt lõi là NATO) làm hình mẫu. Tham vọng của IISS là thiết lập một diễn đàn “kênh 1” chính thống, trong đó bộ trưởng quốc phòng của tất cả các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương có thể ngồi lại với nhau bàn thảo về bất cứ vấn đề nào của khu vực.

Để đạt được mục tiêu đó, cơ chế hoạt động của Đối thoại Shangri-La rất đa dạng: Bên cạnh các phiên thảo luận toàn thể còn có các nhóm nhỏ, các nhóm nhỏ này có thể đề xuất các mục tiêu chính sách riêng biệt. IISS cũng đảm bảo thời gian để các bộ trưởng quốc phòng có ít nhất hai cuộc họp đa phương và khoảng hàng chục đối thoại song phương trong thời gian diễn ra hội nghị, tạo điều kiện để xúc tiến các cuộc gặp đa phương, song phương giữa quan chức quân sự các quốc gia.

Đối tượng tham dự ngày càng mở rộng

Sự mở rộng từng đối tượng cụ thể cũng thể hiện quá trình phát triển của Đối thoại Shangri-La. Trong năm đầu tiên các đối tượng tham dự diễn đàn chỉ bao gồm bộ trưởng quốc phòng và quan chức cấp cao liên quan. Qua năm 2003, đối tượng được mở rộng thêm gồm tổng tham mưu trưởng và thứ trưởng quốc phòng của các nước. Năm 2004, đối tượng mời tham gia tiếp tục mở rộng ra các quan chức cấp cao của các quốc gia thành viên trong các lĩnh vực: tình báo, cảnh sát và an ninh nội địa. Năm 2005, vượt qua khỏi khuôn khổ về khu vực địa lý, Shangri-La có thêm sự tham gia của Pakistan. Có một điểm đặc biệt là tính đến năm 2006, cả Việt Nam và Trung Quốc vẫn chưa đưa đoàn cấp bộ trưởng đến tham dự Đối thoại Shangri-La.

Bên cạnh đó, IISS cũng mong muốn gia tăng tính đa dạng của các vấn đề được thảo luận cũng như tính chất của các đại biểu tham dự hội nghị. Những đại biểu không phải là quan chức (như các học giả, chuyên gia nghiên cứu khu vực, các nhà lập pháp, các nhà báo hay những doanh nhân…) tạo nên sự sôi động trong các cách tiếp cận đối với các vấn đề được thảo luận tại các phiên toàn thể hay các nhóm.

Đối thoại Shangri-La là một diễn đàn rất quan trọng và quý giá trong bối cảnh tình hình an ninh chính trị ở châu Á-Thái Bình Dương chưa bao giờ căng thẳng như hiện nay kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Là một trong những biểu tượng của chủ nghĩa đa phương khu vực, Đối thoại Shangri-La giúp các bộ trưởng quốc phòng có cơ hội không thể nào tốt hơn trong việc định hướng an ninh và phòng thủ khu vực. Nó giúp nuôi dưỡng ý tưởng về một cộng đồng khu vực hiệu quả, được củng cố bởi đối thoại và các liên kết về ý tưởng cũng như hành động.

Trung Quốc luôn muốn chia nhỏ bó đũa để bẻ

Các quốc gia tham gia Đối thoại Shangri-La rất đa dạng, từ Liên bang Nga ở phía bắc cho tới New Zealand ở phía Nam, từ Ấn Độ ở phía Tây cho đến Nhật Bản ở phía Đông. Ngoài ra, các cường quốc và những nước lớn ngoài khu vực cũng góp mặt như Mỹ, Canada, Pháp, Đức và Anh. Có thể thấy do tính chất đa dạng của các thành viên tham dự cũng như nhiều vấn đề an ninh phức tạp của khu vực, chương trình nghị sự của Đối thoại Shangri-La rất rộng. Thật sự rất khó để xác định chủ đề nào là nổi trội trong từng hội nghị cụ thể. Các nội dung chủ đạo được bàn luận trong suốt năm năm đầu của Shangri-La bao gồm: (1) vai trò của Hoa Kỳ trong an ninh châu Á-Thái Bình Dương; (2) Vấn đề khủng bố và cuộc chiến chống khủng bố; (3) Phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt; (4) An ninh và tự do hàng hải; (5) Lập trường về an ninh và phát triển quân sự - quốc phòng các quốc gia trong môi trường khu vực và quốc tế.

Tuy nhiên, cho đến sau năm 2011, khi nước Mỹ tuyên bố chiến lược xoay trục hướng về châu Á, các nội dung nghị sự nổi bật được đề cập là tự do hàng hải ở biển Đông, các tranh chấp lãnh thổ tại khu vực và đặc biệt là cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc. Bộ trưởng quốc phòng Mỹ luôn luôn hiện diện tại Shangri-La suốt từ năm 2004 đến nay, trong khi những người đồng cấp bên phía Trung Quốc không muốn tham gia hội nghị do cơ chế đa phương của nó ảnh hưởng tới một số lợi ích về quốc phòng và an ninh của Bắc Kinh. Các bộ trưởng quốc phòng của Trung Quốc quan tâm nhiều hơn tới Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) hay ARF khi họ có thể đối thoại song phương với từng nước có liên quan.

____________________________________

Hội nghị hòa bình lại được tài trợ bởi biểu tượng chiến tranh!

Các nhà tài trợ chính của Đối thoại Shangri-La qua các năm là những cái tên rất quen thuộc trên… thị trường buôn bán vũ khí thế giới như BAE Systems, Boeing, Lockheed Martin hay Northrop Grumman. Thật khó có thể tưởng tượng rằng một hội nghị nhằm thiết lập và đảm bảo an ninh hòa bình và ổn định của khu vực lại được tài trợ bởi các tập đoàn buôn bán vũ khí hàng đầu!

NGUYỄN THẾ PHƯƠNG (Irys)

(*) Nhóm tư duy.

Kỳ tới: Chủ đề nóng của Shangri-La 12: Trung Quốc và biển Đông

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm