Theo phản ánh của ông Phan Văn Tựng (trú tại C3/2 ấp 3, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP.HCM), năm 1991, ông chuyển nhượng cho ông Ngô Văn Hầu 742 m2 đất tọa lạc tại xã Vĩnh Lộc A. Hai bên thỏa thuận ông Hầu phải chừa lối đi chung cho các hộ dân kèm theo sơ đồ vị trí đất, diện tích và có xác nhận của UBND xã.
Phải thu hồi quyết định cưỡng chế
Năm 1995, ông Hầu xây hàng rào lấn chiếm phần đường đi (ngang 3 m, dài khoảng 34 m) của khu dân cư nên bị các hộ dân phản đối. Ông Tựng làm đơn khiếu nại gửi UBND huyện Bình Chánh. Ngày 19-7-1995, cơ quan này ban hành Quyết định (QĐ) giải quyết số 743. Nội dung buộc ông Hầu phải tháo dỡ phần chiếm dụng trái phép đường đi, trả lại như hiện trạng cũ; công nhận quyền sử dụng đất của ông Hầu là 742 m2. Huyện cũng giao cho UBND xã Vĩnh Lộc A chủ trì phối hợp với phòng địa chính huyện đo đạc cắm mốc và giao đất cho ông Hầu.
QĐ 743 nói rõ vậy nhưng ông Hầu không thực hiện mà còn lập hồ sơ xin cấp giấy đỏ cho phần đất chiếm dụng trái phép. Năm 2004, UBND huyện đã cấp giấy đỏ cho ông Hầu. Sau đó UBND huyện phát hiện giấy đỏ đã cấp cho ông Hầu có diện tích đang sử dụng chênh lệch với diện tích trong QĐ 743. Vì vậy, năm 2008 cơ quan này ban hành QĐ thu hồi và hủy bỏ giấy đỏ đã cấp cho ông Hầu.
Đến năm 2009, chủ tịch UBND huyện có công văn gửi UBND xã Vĩnh Lộc A yêu cầu ông Hầu phải tháo dỡ hàng rào xây dựng lấn chiếm đường đi công cộng theo đúng nội dung QĐ 743. Nếu ông Hầu không tự nguyện chấp hành thì xã xử lý theo quy định. Sau khi ông Hầu trả lại đất thì UBND xã có trách nhiệm quản lý để sử dụng làm đường đi công cộng.
Sau nhiều lần vận động ông Hầu không được, UBND xã kiến nghị huyện cưỡng chế. Ngày 13-7-2015, chủ tịch UBND huyện Bình Chánh ra QĐ cưỡng chế để thi hành QĐ số 743. Theo đó sẽ tháo dỡ toàn bộ vật kiến trúc, cưa cắt các cây trồng đối với phần đất do ông Hầu chiếm dụng trái phép đường đi, trả lại hiện trạng cũ. Thời gian cưỡng chế là ngày 17-9-2015, chủ tịch UBND xã chủ trì phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để thi hành.
Tuy nhiên, ngày 8-10-2015, UBND huyện lại ra QĐ thu hồi, hủy bỏ QĐ cưỡng chế nêu trên với lý do có sai sót trong quá trình soạn thảo và ban hành QĐ. Năm 2016, ông Tựng cùng 13 hộ dân trong hẻm cùng làm đơn cứu xét gửi UBND huyện.
Phần lối đi có tranh chấp trong vụ việc. Ảnh: YẾN CHÂU
Vẫn loay hoay
Ngày 2-1-2018, UBND huyện tổ chức cuộc họp để nghe báo cáo về việc tranh chấp giữa ông Hầu và ông Tựng. Sau đó, văn phòng HĐND và UBND huyện ra thông báo nêu ý kiến kết luận và chỉ đạo của phó chủ tịch thường trực huyện.
Nội dung thông báo là giao cho UBND xã khẩn trương thực hiện nghiêm túc chức năng quản lý nhà nước về quản lý đất đai, xây dựng liên quan đến QĐ số 743. Xử lý dứt điểm hành vi vi phạm về đất đai xây dựng liên quan đến phần đất trên. Làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể có liên quan. Giao Phòng Quản lý đô thị, Phòng TN&MT khẩn trương tham mưu xử lý đơn của ông Hầu, ông Tựng theo quy định. Tất cả phải báo cáo kết quả cho UBND huyện trong tháng 1. Nhưng đến nay vụ việc vẫn giậm chân tại chỗ.
Để làm rõ vụ việc, PV Pháp Luật TP.HCM đã liên hệ với UBND huyện Bình Chánh. Ngày 31-7 vừa qua, cơ quan này có văn bản trả lời.
Theo UBND huyện, do QĐ ban hành từ năm 1995, pháp luật đất đai, xử lý vi phạm hành chính đã nhiều lần thay đổi, nhưng QĐ chưa được thực hiện đầy đủ. Hiện đã thực hiện một phần khi UBND xã đã đo đạc, cắm mốc và phác họa sơ đồ khu đất giao cho ông Hầu vào ngày 27-7-1995. Còn một phần QĐ chưa thực hiện xong là buộc ông Hầu phải tháo dỡ phần đất chiếm dụng trái phép đường đi chung, trả lại hiện trạng trước đó.
UBND huyện cho rằng nội dung này phải được xử lý bằng một QĐ hành chính khác theo pháp luật về xử lý vi phạm hành chính chứ không được ghi trong QĐ giải quyết tranh chấp đất đai như QĐ 743. Nếu xác định ông Hầu lấn chiếm đất công thì người có thẩm quyền xử phạt hành chính phải xác định rõ hành vi vi phạm, vị trí và diện tích phần đất bị lấn chiếm. Sau đó người này ban hành QĐ xử phạt hành chính (nếu còn thời hiệu) hoặc ra QĐ áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả (nếu hết thời hiệu xử phạt). Mặc dù vậy, hiện tại QĐ 743 vẫn còn hiệu lực, việc thực hiện QĐ này cần phải áp dụng pháp luật tại thời điểm thi hành.
Cũng theo UBND huyện, cuối năm 2017, Phòng Quản lý đô thị tiếp tục kiến nghị huyện giao chủ tịch UBND xã chủ trì, phối hợp với Phòng TN&MT xác định vị trí, ranh mốc, diện tích đất và điều chỉnh giấy đỏ của ông Hầu. Mục đích là để nó phù hợp với nội dung QĐ 743 đã được đo đạc theo biên bản năm 1995 của UBND xã thể hiện diện tích đất của ông Hầu được giao là 742 m2. Phòng cũng kiến nghị UBND huyện giao chủ tịch UBND xã xử phạt hành chính lấn chiếm đất công của ông Hầu và báo cáo kết quả cho UBND huyện. Nhưng ngày 10-7, UBND xã báo cáo vẫn chưa thực hiện được việc cắm ranh giữa đất của ông Hầu và ông Tựng.
Cuối cùng UBND huyện cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo UBND xã khẩn trương thực hiện theo chỉ đạo của UBND huyện và thông tin kết quả đến các cơ quan có liên quan.
UBND xã cũng than khó Theo báo cáo ngày 10-7, UBND xã Vĩnh Lộc A cho rằng việc thi hành QĐ 743 đã thực hiện xong theo biên bản đo đạc lập năm 1995 nhưng do ông Hầu tiếp tục khiếu nại kéo dài nên việc cắm ranh đất tranh chấp chưa thực hiện được. Ngày 15-8, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM lãnh đạo UBND xã Vĩnh Lộc A cho biết vụ việc phức tạp và quá trình thi hành QĐ gặp nhiều khó khăn. UBND xã đã liên hệ các cán bộ cũ để xác minh ranh, mốc đất nhưng những người này không nhớ, dẫn đến việc chưa xác minh xong. Mặt khác, quá trình giải quyết hai bên đương sự không hợp tác. |