Những năm qua, TP.HCM và huyện Bình Chánh đã bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để làm các cây cầu, tuyến đường kết nối với các huyện của tỉnh Long An, liên ấp, liên xã... Nhưng đến nay nhiều cây cầu vẫn đang trong tình trạng... chờ, còn đường thì... đợi.
Cầu vượt kinh Xáng Ngang được xây dựng từ nhiều năm trước nhưng đến nay vẫn chỉ là hai trụ nhô lên chơ vơ. Các cây cọc nằm bên bờ xã Lê Minh Xuân cùng chịu cảnh nằm phơi mình giữa nắng mưa suốt nhiều năm. Cây cầu này nhằm nối kết hai tuyến đường Trương Văn Đa và Thích Thiện Hòa giữa hai xã Bình Lợi và Lê Minh Xuân lại với nhau. Cầu có giá trị khoảng 226 tỷ đồng nhưng do vướng đền bù, giải tỏa một số hộ dân ở hai đầu cầu nên công trình bị ách lại.
Tuyến đường Trương Văn Đa nối xã Bình Lợi với xã Tân Nhựt của huyện Bình Chánh dài khoảng 8 km. Nhiều năm trước mặt đường chỉ rộng 7 m, trải sỏi đỏ. Từ năm 2015, sau khi người dân tự hiến đất, mặt đường được mở rộng lên 9 m, trải nhựa thấm nhập. Đến nay con đường liên ấp 1, 2 của xã Bình Lợi và nối liền với xã Tân Nhựt đã gần hoàn thiện nhưng bị cắt khúc vì nhiều cầu trên tuyến vẫn dở dang, chờ đợi...
Điển hình là cầu Độc Lập, theo hướng từ ấp 2 sang ấp 1 xã Bình Lợi được khởi công từ năm 2016 nhưng đến nay vẫn chưa giải tỏa, đền bù xong nên người dân vẫn buộc phải đi lại trên cây cầu nông thôn cũ kỹ.
Mặt cầu Độc Lập cũ nhỏ và dốc nên chỉ qua lại được một chiều qua, một chiều đứng chờ.
Cầu Độc Lập mới bị "bỏ quên" quá lâu nên người dân tận dụng đặt bàn đá uống trà, cà phê buổi sáng và... nhậu vào giấc chiều.
Cầu Năm Xuyên đã thi công xong trụ, mố, gác nhịp nhưng đường vào cầu mới chỉ xong phần trải đất, chưa trải thảm bê tông nhựa thấm nhập nên việc lên xuống cầu rất khó khăn, nhất là vào những ngày mưa đường lên xuống cầu luôn trơn trợt. Vì thế chỉ có người gan cùng mình mới dám đi trên cầu mới trơn trợt, còn người yếu bóng vía thì vẫn phải sử dụng cầu nông thôn cũ bên cạnh để qua lại.
Trên tuyến đường Trương Văn Đa còn có cầu sắt hình chữ L, ở giữa là dây văng. Cầu mang tên Thanh Niên nhưng đã già nua, cũ kỹ nên chỉ có thể cho xe ba bánh chở dưới 500 kg qua lại giữa xã Bình Lợi và Lê Minh Xuân. Cạnh chữ L của cầu chạy song song với đường Trương Văn Đa lổn nhổn sỏi đá khiến người yếu tay lái đi qua là té như chơi.
Ở điểm nối giữa xã Bình Lợi với xã Tân Nhựt là cầu Bà Tỵ. Cầu đã làm xong nhưng đường thì còn chờ hoàn thiện.
Tương tự, ở hướng từ cầu Bà Tỵ đổ xuống phía ngã ba đường Trương Văn Đa - đường Bà Tỵ vẫn còn ngổn ngang sỏi đá lổn nhổn.
Theo ông Trần Vũ Hữu Duy, Phó giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình huyện Bình Chánh, việc làm đường được sự đồng thuận, tự hiến đất làm đường của người dân, nhưng với một số cầu nêu trên bị ách lại thời gian qua là do còn vướng đền bù, giải tỏa. Có hộ trước đây đã hiến đất làm mương thoát nước, tưới tiêu nông nghiệp và giấy đỏ đã được điều chỉnh, cập nhật nhưng nay làm cầu thì lại "sinh sự" đòi tiền bồi thường. "Dân mình dễ thương vậy đó, Đã cho đi rồi nhưng lâu lâu nhớ thì lại đòi bồi thường. Xã, huyện thuyết phục nhiều lắm. Tới đây hộ đó sẽ nhận hỗ trợ và bàn giao mặt bằng là cầu làm xong ngay thôi!" - ông Duy nói.
Theo phân cấp, ở Bình Chánh có nhiều tuyến đường, cây cầu do Sở GTVT TP quản lý. Đây phần lớn là các tuyến đường liên huyện hoặc nối liền với tỉnh Long An. Nhưng nhiều năm qua với việc đầu tư theo kiểu "nấc cụt" nên nhiều tuyến đường, cây cầu rơi vào tình trạng... cụt luôn.
Điển hình như cuối đường Vườn Thơm có cầu Bà Bửu (xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh) nối sang huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Cầu được xây dựng khá qui mô và cho cả xe container đi qua nhưng phía bên kia là huyện Đức Hòa thì đường chưa được làm tương xứng nên cầu mất tác dụng.
Cầu Bà Bửu cuối đường Vườn Thơm cho đoàn xe container 38 tấn đi qua nhưng bên kia đường đi trên huyện Đức Hòa chưa được làm nên cầu mất tác dụng.
Theo ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, tới đây TP và các tỉnh lân cận như Long An, Tiền Giang sẽ cùng nhau bàn chuyện kết nối không chỉ các tuyến đường trục mà sẽ kết nối cả các tuyến đường liên xã, liên huyện của các địa phương với nhau. Điều này sẽ giúp xóa đi hình ảnh các xã vùng xa, vùng sâu nằm tách biệt với bên ngoài.