Trên xe có cần bình chữa cháy không? Là người lái xe, tôi trả lời ngay là cần. Nhưng cần như thế nào, mức độ tới đâu lại là chuyện khác.
Mua vội để đối phó, gặp hàng kém chất lượng
Cách đây gần 20 năm, người tài xế về hưu bàn giao cho tôi chiếc xe bốn chỗ cũ mèm nhưng cái bình chữa cháy thì lại mới tinh. Và năm năm sau, tôi tiếp nhận chiếc xe bảy chỗ hiệu Dodge của Mỹ đã qua sử dụng, trên xe cũng có bình chữa cháy. Đến năm 2003, cơ quan tôi mua chiếc Ford Escape mới, thấy không có bình chữa cháy, tôi đề nghị thì cửa hàng vui vẻ khuyến mãi cho chiếc bình loại tốt. Như vậy, có thể thấy việc trang bị bình chữa cháy trên ô tô ở nước ta hay nước ngoài đều đã có từ lâu nhưng nó mang hình thức tự nguyện.
Nay Thông tư 57/2015 của Bộ Công an quy định mọi ô tô đều phải trang bị bình chữa cháy, nếu không có sẽ bị phạt (300.000-500.000 đồng). Điều này tác động rất lớn đến chủ xe và lái xe.
Số lượng ô tô các loại ở nước ta tính đến tháng 9-2015 ước gần 2,6 triệu chiếc (nguồn VnEconomy). Vậy chỉ cần 1/2 chủ ô tô chưa trang bị bình chữa cháy đổ xô đi mua thì nguồn cung có chất lượng liệu có đáp ứng? Chính sự ra đời của thông tư đã tạo nên cơn sốt mặt hàng đặc hiệu này, vô tình tạo kẽ hở cho những kẻ buôn bán hàng kém chất lượng thao túng, trục lợi. Mấy ngày nay, những bình chữa cháy trang bị trên xe du lịch tự phát nổ là minh chứng cho sự bất cập đó.
Mấy chục năm nay, trên xe tôi luôn có bình chữa cháy, không ít lần tôi đỗ xe cả ngày dưới trời nắng nóng, đóng cửa kín mít mà cái bình chữa cháy có sao đâu. Phải chăng những chiếc bình phát nổ kia là do chất lượng kém? Vì sợ bị phạt, người dân vội vàng đi mua bình chữa cháy để gắn vào xe, gặp phải hàng giả nên dễ rước họa. Chưa nói, bây giờ khách lên xe ai cũng quan sát, tìm cách ngồi xa cái bình chữa cháy mà lòng vẫn lo ngay ngáy!
Trang bị bình chữa cháy trên xe chuyên dụng. Ảnh: KIÊM HẠ
Bình chữa cháy trên xe 16 chỗ. Ảnh: KIÊM HẠ
Cần có lộ trình
Những xe du lịch đời mới, việc kiểm soát an toàn bằng một hệ thống điện tử rất nghiêm ngặt, chỉ cần có hiện tượng thiếu an toàn là báo về trung tâm và động cơ tự ngưng hoạt động ngay. Ai cũng biết nguyên nhân cháy xe thường do va chạm, do chập điện từ động cơ. Mà động cơ trên các xe đời mới hiện đại phải nói rất khó cháy nhưng một khi đã cháy rồi thì khó chữa vì nó bị bịt kín mít.
Chưa kể, hệ thống phun nhiên liệu đa điểm dùng bình áp cao thường nằm trên mặt động cơ, nó sẽ dễ dàng thành quả bom xăng khi bị nung nóng. Cho nên trong tình huống lửa đã cháy thành ngọn, cánh tài xế dũng cảm đến mấy cũng phải tránh xa nếu không muốn thành ngọn đuốc sống.
Đành rằng chuyện trang bị bình chữa cháy trên xe là cần thiết, theo kiểu “cẩn tắc vô áy náy”. Nhưng như trên đã nói, khả năng dùng bình chữa cháy để khống chế đám cháy khi nó xảy ra trên xe là điều hãn hữu. Dựa trên công năng thực tế này nên chăng Nhà nước chỉ khuyến khích chủ xe, tài xế nên trang bị bình chữa cháy chứ không cần quy định buộc phải có.
Ngoài ra, một thông tư ban hành mà không có lộ trình nào cho người dân chuẩn bị khiến người dân trở tay không kịp. Nếu có lộ trình, các nhà nhập khẩu sẽ có thời gian nhập loại tốt hoặc nhà máy trong nước sẽ sản xuất bình chữa cháy theo tiêu chí tuyệt đối an toàn.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng nên khuyến cáo các hãng ô tô phải trang bị những thiết bị liên quan kèm theo như bình chữa cháy, dụng cụ phá kính trên xe… như một bộ phận thiết yếu cần có trên xe vậy. So với giá trị chiếc xe thì gắn thêm một thiết bị an toàn như vậy chỉ là chuyện nhỏ. Và như vậy hãng xe sẽ chịu trách nhiệm về chất lượng mặt hàng họ cung cấp. Đó mới là chính sách có lợi cho người dân.
Thủng thẳng đeo găng tay rồi… chữa cháy Ngoài bình chữa cháy, búa, xà beng, Thông tư 57/2015 của Bộ Công an còn buộc xe từ 10 chỗ trở lên phải trang bị khẩu trang lọc độc, găng tay chữa cháy. Nhiều tài xế đồng ý với tôi rằng khi xảy ra sự cố cháy nổ xe, dù là xe gì đi nữa thì tài xế, phụ xe phải hô hào, nhanh chóng giúp hành khách thoát ra khỏi xe càng nhanh càng tốt. Việc chữa cháy cũng phải được thực hiện cấp kỳ, trong thời gian nhanh nhất phải dùng bình chữa cháy dập tắt lửa. Vậy thì còn thời gian đâu mà mang găng tay, mang khẩu trang chống hơi độc trước khi chữa cháy?! |