Bình Định: 51 UBND cấp xã bỏ phí phần mềm một cửa điện tử

Ngày 19-3, trao đổi với PLO, ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, xác nhận ông vừa ký công văn yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố ở tỉnh này khẩn trương chấn chỉnh việc giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính trễ hạn, quá hạn.

Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Bình Định. Ảnh: CTV

Theo chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, thời gian qua, việc đưa vào sử dụng hệ thống phần mềm một cửa điện tử (phần mềm VNPT - IGate) liên thông từ cấp tỉnh đến cấp xã để phục vụ luân chuyển, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính trên môi trường điện tử đã tiết kiệm được thời gian, chi phí hành chính.

Trong những tháng đầu năm 2020, số lượng hồ sơ thủ tục hành chính của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh được tiếp nhận, trả kết quả giải quyết đúng hạn tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Bình Định đạt tỉ lệ khá cao (99,9%).

Tuy nhiên, số lượng hồ sơ giải quyết trễ hạn tại các địa phương cấp huyện, cấp xã còn tồn đọng gần 4.000 hồ sơ, chiếm tỉ lệ 16% hồ sơ tiếp nhận.

Nhiều địa phương có tỉ lệ hồ sơ giải quyết trễ hạn cao như huyện Phù Cát 54%, huyện Tây Sơn 38%, huyện Tuy Phước 30%, huyện Vân Canh 29%, các huyện Hoài Ân, Phù Mỹ 23%, thị xã An Nhơn 14%…

Có 51 UBND cấp xã mặc dù đã được đầu tư xây dựng, hoàn thành phần mềm VNPT - IGate nhưng không thực hiện để giải quyết thủ tục hành chính theo quy định. Kết quả này dẫn đến số liệu hồ sơ thủ tục hành chính giải quyết đúng hạn được công khai trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh thấp dưới mức tối thiểu do Bộ Nội vụ quy định (dưới 95%).

Điều này cũng ảnh hưởng đến vị trí xếp hạng cải cách hành chính của tỉnh Bình Định, tác động tiêu cực đến những nỗ lực chung của cả tỉnh trong việc cải cách hành chính.

Để chấn chỉnh tình trạng trên, chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu thủ trưởng cơ quan, đơn vị, chính quyền các địa phương kiên quyết xử lý nghiêm khắc các tổ chức, cá nhân tắc trách, thiếu trách nhiệm để xảy ra trường hợp hồ sơ thủ tục hành chính giải quyết trễ hạn, quá hạn; thực hiện nghiêm túc việc gửi thư xin lỗi tổ chức, công dân đúng theo quy định của Chính phủ.

Định kỳ hàng tháng, chủ tịch UBND cấp huyện phải kiểm tra, làm rõ, kiểm điểm trách nhiệm các tập thể, cá nhân liên quan đã để xảy ra hồ sơ thủ tục giải quyết trễ hạn, quá hạn; xử lý kiên quyết đối với những phòng, ban, UBND cấp xã để tồn đọng số lượng lớn hồ sơ thủ tục hành chính bị trễ hạn, quá hạn, báo cáo kết quả cho UBND tỉnh.

Chủ tịch cấp huyện phải có giải pháp khắc phục để đến ngày 30-4-2020, tỉ lệ hồ sơ thủ tục hành chính giải quyết đúng hạn tại địa phương phải đảm bảo đạt tối thiểu trên 95%.

Từ ngày 20-3, các địa phương cấp xã không thực hiện đúng quy định 100% hồ sơ thủ tục hành chính được tiếp nhận, xử lý, cập nhật thông tin qua phần mềm VNPT - IGate thì xem xét, có hình thức xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu (chủ tịch UBND cấp huyện) và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của UBND xã.

Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố phải chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND tỉnh các nhiệm vụ trên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới