Hàng ngàn gia đình ở nhiều khu dân cư tỉnh Bình Định đang nơm nớp lo sợ ngập lụt khi mùa mưa lũ đến. Nguyên nhân chính là những bất cập phát sinh trong quá trình thi công các công trình giao thông trọng điểm.
Nguy cơ ngập nặng do nhà nằm sâu dưới chân đường
Thời gian qua, nhiều gia đình ở hai xã Tây Giang, Tây Thuận của huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định rất bức xúc vì cuộc sống đảo lộn. Lý do là họ bị ảnh hưởng bởi dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên, gọi tắt là nâng cấp, mở rộng quốc lộ 19.
Ngôi nhà của gia đình ông Ngô Đức Nguyệt (64 tuổi, ở thôn Tả Giang 1, xã Tây Giang) nằm cạnh quốc lộ 19.
Tháng 8- 2022, đơn vị thi công bắt đầu đổ đất, cải tạo nền đường cao gần 3 m so với ngôi nhà. Ngày nắng nóng, lượng xe cộ di chuyển phục vụ công trình liên tục xả khói bụi phủ kín nhà. Ngày mưa, nước từ đường tuôn xuống kéo theo đất đá tràn vào nhà.
“Người ta nâng mặt đường lên cao quá, giờ từ đường vào nhà như trượt xuống con dốc dựng đứng. Tôi phải lát mấy tấm bê tông để làm lối đi ra. Phía trước sân nhà phải xẻ một kênh nhỏ dẫn nước, mưa là đất bùn trên đường dồn hết vào nhà, không thoát được”- ông Nguyệt than thở.
Ông Huỳnh Trung Đức, thôn Tả Giang 1, bức xúc: "Gia đình tôi phải phải đổ bê tông xi măng nâng nền đường từ nhà lên để tiện cho di chuyển. Nhưng chỉ nâng được phần nền ngoài, đường đi và sân phơi thôi chứ cả ngôi nhà làm sao mà nâng được. Chỉ còn cách làm cống dẫn nước trước nhà hoặc là xây nhà mới”.
Trao đổi với PV, ông Phan Chí Hùng, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, cho biết: “Chính quyền địa phương đã yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu phải khẩn trương làm ngay một số việc trước mùa mưa bão năm nay là phải đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến chính, tập trung thi công đoạn cầu Ba La đảm bảo cao trình vượt lũ, đặc biệt là xử lý việc ngập lụt".
Trước mắt, UBND huyện Tây Sơn đã yêu cầu chủ đầu tư, đơn vị thi công làm hệ thống kênh tạm để tiêu thoát nước cho dân cư hai bên đường. Tuy nhiên, ghi nhận sáng 24-10, đơn vị thi công vẫn chưa triển khai làm cống tạm tiêu thoát lũ.
Chính quyền cũng lo ngập lụt
Theo UBND thị xã Hòa Nhơn (Bình Định), trên tuyến cao tốc Bắc – Nam đoạn qua xã Hoài Sơn, thị xã Hoài Nhơn, đơn vị thi công giảm khẩu độ cống thoát nước, thay đổi dòng chảy một số kênh, cống tiêu thoát lũ.
Kiểm tra thực tế công trường thi công hồi cuối tháng 9-2023, đoàn kiểm tra phòng chống thiên tai của UBND tỉnh Bình Định ghi nhận một số hạng mục hạ tầng kỹ thuật về tiêu thoát lũ không đảm bảo.
Ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND thị xã Hoài Nhơn, thông tin: “Hiện nay các đơn vị thi công thực hiện chưa đúng theo hồ sơ thiết kế, khả năng các dẫn dòng, các khẩu độ không đảm bảo, gây ngập phía tây con đường, xói lở phần ở hạ lưu".
Theo ông Công, UBND thị xã Hoài Nhơn đã yêu cầu Ban Quản lý dự án 2, Ban Quản lý dự án 85 thuộc Bộ Giao thông vận tải cùng các đơn vị thi công dự án khắc phục các tồn tại, thực hiện các phương án phòng chống thiên tai, đảm bảo an toàn cho người dân, các khu dân cư.
Trên địa bàn huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định có tuyến kết nối từ trung tâm thị xã An Nhơn đến phía tây đầm Thị Nại và tuyến Cát Tiến – Diêm Vân do Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh Bình Định làm chủ đầu tư, đang hình thành ở cao trình rất cao.
Nhiều người dân địa phương đang lo ngại ngập lụt lớn, đặc biệt là hiện tượng sa bồi, thủy phá trên tuyến Cát Tiến – Diêm Vân ảnh hưởng tới sản xuất vụ đông xuân 2023 – 2024.
Ông Huỳnh Nam, Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, lo ngại: “Với tình hình này, dự báo dòng chảy của lũ trên địa bàn huyện Tuy Phước năm nay sẽ thay đổi, lưu lượng lũ có biến động. Có những điểm trước đây chưa bị ngập nay có nguy cơ sẽ ngập lớn”.
Trước những lo ngại trên, ông Lưu Nhất Phong, Giám đốc Ban quản lý dự án giao thông tỉnh Bình Định, nói: “Với hai dự án này, Ban quản lý đã lên phương án phòng chống thiên tai cho từng công trình, bố trí máy móc, phương tiện túc trực sẵn sàng. Chúng tôi đã cho phá dỡ các đường công vụ, chỉ để lại những đoạn để di chuyển phục vụ thi công và sẽ tháo dỡ trước khi có mưa lũ lớn".
UBND tỉnh Bình Định đã có văn bản yêu cầu các đơn vị, sở ngành, các đơn vị thi công, nhà thầu thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống thiên tai cho công trình, dự án trọng điểm. Thực hiện nghiêm túc việc tháo dỡ đường công vụ, khơi thông dòng chảy, phải bố trí đầy đủ phương tiện, máy móc, nhân lực ứng trực trên các công trình, dự án đang thi công.