Chiều 6-8, ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, cho biết UBND tỉnh đã có quyết định về phê duyệt kinh phí khảo sát, lập đề án đánh giá tổng thể về sạt lở bờ sông trên lưu vực sông Hà Thanh.
Sạt lở nghiêm trọng ở bờ sông Hà Thanh, đoạn qua xã Canh Vinh, huyện Vân Canh. Ảnh QN |
“Hiện UBND tỉnh đã phê duyệt chủ trương về kinh phí dự toán, tiếp đến Sở đang lựa chọn đơn vị tư vấn. Đề án này nhằm khảo sát toàn diện nguyên nhân sạt lở bờ sông, suối trên lưu vực sông Hà Thanh. Qua đó, nhằm đề xuất các giải pháp phòng chống xói lở lòng dẫn, ổn định bờ sông một cách bền vững”, ông Chương cho biết.
Cũng theo vị này, chủ trương là nghiên cứu tổng thể để đề xuất các giải pháp chống sạt lở, ổn định bờ sông một cách bền vững, lâu dài chứ không phải chỉ khắc phục lẻ tẻ một vài đoạn bờ sông. Bởi, một số đoạn sạt lở lẻ tẻ ở địa phương thường được tỉnh giao cho chính quyền địa phương tiến hành.
Sở NN&PTNT tính toán, đề xuất giải pháp tổng thể, hài hoà để chủ động quản lý, phòng, chống sạt lở bờ sông, tạo điều kiện ổn định và phát triển kinh tế - xã hội các địa phương trong lưu vực sông Hà Thanh; góp phần đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản và sản xuất của nhân dân; phát huy hiệu quả đầu tư các công trình phòng, chống sạt lở.
Bình Định đang tìm giải pháp tổng thể nhằm khắc phục sạt lở, ổn định bờ sông Hà Thanh bền vững. Ảnh QN |
Sau đề xuất của Sở NN&PTNT, ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, đã ký quyết định phê duyệt đề cương nhiệm vụ đề án đánh giá tổng thể tình hình sạt lở bờ sông trên lưu vực sông Hà Thanh. UBND tỉnh Bình Định giao Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư triển khai thực hiện đề án này.
Theo đó, chủ đầu tư được giao về việc thu thập số liệu quy hoạch vùng dân cư, khu dân cư, khu đô thị dọc bờ sông Hà Thanh; số liệu các dự án đầu tư xây dựng (phát triển đô thị, khu dân cư, nhà ở,…) đã và đang đầu tư xây dựng dọc theo bờ sông Hà Thanh; hiện trạng công trình đê kè, công trình thủy lợi trên sông Hà Thanh; các tài liệu thiết kế, địa chất của các công trình đã có.
Bên cạnh đó, thu thập số liệu về cấp phép khai thác cát sông Hà Thanh; tài liệu về diễn biến rừng thuộc huyện Vân Canh; bổ sung đo vẽ địa hình cắt dọc, cắt ngang thủy văn; xác định độ dốc dọc sông Hà Thanh, đo đạc lượng bùn cát chảy qua các mặt cắt; xác định hành lang thoát lũ đối với các nhánh sông, suối làm cơ sở quản lý chặt chẽ các trục thoát lũ, ngăn ngừa các hoạt động xây dựng trái phép lấn chiếm lòng dẫn hành lang thoát lũ các nhánh sông…
Qua đó, đánh giá các nguyên nhân chính dẫn đến sạt lở bờ sông.
Đề án cũng đề xuất các giải pháp thực hiện, trong đó giải pháp cấp bách là tổ chức di dời dân cư khẩn cấp ra khỏi các khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm và nguy hiểm, từng bước sắp xếp lại dân cư, di dời dân cư ra khỏi các khu vực có nguy cơ sạt lở cao, kết hợp với tái định cư, ổn định đời sống cho người dân.
Cắm biển cảnh báo tại những khu vực bị sạt lở và có nguy cơ cao xảy ra sạt lở. Xây dựng các công trình sạt lở bờ sông có ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn dân cư, cơ sở hạ tầng quan trọng ven sông.
Bên cạnh đó, kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác cát trên sông, khắc phục tình trạng mất cân bằng bùn cát để hạn chế nguy cơ sạt lở; ngăn chặn triệt để tình trạng khai thác cát trái phép. Kiểm soát, quản lý chặt chẽ việc xây dựng, nâng cấp nhà ở, công trình ven sông, tránh bị ảnh hưởng do sạt lở và làm gia tăng nguy cơ sạt lở. Đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm lấn chiếm hành lang thoát lũ sông Hà Thanh…
Trước đó, PLO đã có nhiều bài viết phản ánh sạt lở nghiêm trọng ở sông Hà Thanh, đoạn qua xã Canh Vinh (huyện Vân Canh, Bình Định) khiến hàng chục hộ dân có nguy cơ bị “nuốt nhà’.
Theo phản ánh của người dân địa phương, tình trạng sạt lở hai bên bờ sông Hà Thanh đoạn qua các xã Canh Vinh, Canh Hiển thuộc huyện Vân Canh (Bình Định) đang rất nghiêm trọng. Chính quyền địa phương đã căng dây, đặt biển cảnh báo nguy hiểm ở khu vực có sạt lở nghiêm trọng, tuy nhiên, kinh phí để khắc phục ngoài khả năng.