Ngày 7-3, UBND tỉnh Bình Định có văn bản yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai nghiêm túc, quyết liệt quy định, quyết định của trung ương và địa phương trong việc chuyển đổi vị trí công tác ở những vị trí cần phải chuyển đổi công tác để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh uỷ Bình Định yêu cầu thay thế đối với cán bộ thụ động, chậm giải quyết công việc được giao. Ảnh TV |
Theo đó, các đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch, xác định cụ thể danh mục các vị trí công tác định kỳ chuyển đổi, xác định rõ đối tượng, thời hạn, thời điểm chuyển đổi của từng vị trí trong cơ quan, đơn vị, địa phương.
Các trường hợp đã đảm nhiệm đủ thời gian 3 năm trở lên phải thực hiện chuyển đổi trong năm 2023 (trừ các trường hợp chưa thực hiện, các trường hợp đặc biệt theo quy định tại Nghị định số 59/2019/NĐ-CP).
Kịp thời thay thế, chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức có dư luận gây phiền hà, sách nhiễu doanh nghiệp và nhân dân, kể cả cán bộ, công chức, viên chức thụ động, chậm trễ không chủ động giải quyết công việc thuộc chức trách, nhiệm vụ được giao.
Hoàn thành việc xây dựng kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác năm 2023 và báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ) trước ngày 10-3, để tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương định kỳ báo cáo kết quả thực hiện chuyển đổi vị trí công tác cho UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ tổng hợp), báo cáo sáu tháng gửi trước ngày 10-6, báo cáo năm gửi trước ngày 10-12.
UBND tỉnh yêu cầu Sở Nội vụ cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính gắn với việc thực hiện kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác.
Sở kịp thời báo cáo UBND tỉnh xem xét trách nhiệm của người đứng đầu thực hiện không nghiêm việc chuyển đổi vị trí công tác hoặc để xảy ra vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình quản lý.