Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, vừa ký công văn chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính gửi thủ trưởng các đơn vị và các cấp.
Đà Nẵng sẽ thay thế cán bộ tại bộ phận một cửa có biểu hiện hành dân. Ảnh: TẤN VIỆT
Theo công văn, thời gian qua kỷ luật, kỷ cương hành chính một số nơi chưa nghiêm. Tình trạng gây phiền hà, hướng dẫn không rõ ràng của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) diễn ra gây bức xúc trong dư luận. Điển hình là các vụ việc tại phường Tân Chính (quận Thanh Khê), xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang).
“Những tồn tại nêu trên một phần là do người đứng đầu chưa thực sự chú trọng công tác quản lý CBCCVC thuộc quyền quản lý. Ý thức chấp hành các quy định pháp luật chưa cao. Công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương có lúc, có nơi chưa tốt. Việc xử lý các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực chưa nghiêm” - công văn nêu.
Do đó, chủ tịch Đà Nẵng yêu cầu người đứng đầu các cấp kiên quyết loại bỏ những khâu trung gian, những thủ tục rườm rà, chồng chéo, những loại giấy tờ không cần thiết. Không được “ngâm” hồ sơ gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp.
Yêu cầu các cấp rà soát, bố trí đội ngũ CCVC tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Kịp thời thay thế những cá nhân vi phạm, có biểu hiện tiêu cực, thái độ không đúng mực. Nếu để xảy ra vi phạm tại đơn vị nào, người đứng đầu đơn vị đó phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch TP.
Chủ tịch Đà Nẵng cũng yêu cầu Sở TN&MT, Sở Xây dựng, UBND các quận, huyện... nghiên cứu đề xuất các giải pháp chấn chỉnh, giải quyết hồ sơ mà người dân, doanh nghiệp phản ánh nhiều về lĩnh vực đất đai. Đặc biệt là cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và lĩnh vực quản lý đô thị.
Ngoài ra, công văn cũng yêu cầu các địa phương không để tình trạng CCVC vắng mặt tại nơi làm việc, nhất là vào những ngày làm việc trước và sau tết Nguyên đán 2020.
Như PLO từng phản ánh, một số cán bộ tại bộ phận một cửa phường, xã ở Đà Nẵng bị người dân phản ánh có thái độ không đúng mực, có biểu hiện hành dân khi đến làm thủ tục.
Những cán bộ này sau đó lập tức bị kiểm điểm, có người bị điều chuyển sang bộ phận khác, không còn tiếp xúc trực tiếp với người dân, doanh nghiệp.