Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm khẳng định như trên bên lề hội nghị tổng kết ban chỉ đạo dự án hỗ trợ giảm nghèo (PRPP) do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức, ngày 22-11.
Ông Nguyễn Trọng Đàm cũng cho biết hiện nay một số hộ dân có tư tưởng không muốn thoát khỏi danh sách hộ nghèo. Thậm chí, gia đình không phải là hộ nghèo nhưng muốn được thôn, xã đưa vào diện nghèo. Nguyên nhân sâu xa của tình trạng này là chúng ta có nhiều chính sách hỗ trợ "cho không" người nghèo, nên ai cũng muốn được hưởng.
Những nhà hảo tâm trao quà cho trẻ em nghèo ở A Lưới. Ảnh: VIẾT LONG
“Thực sự, vùng nông thôn giữa nghèo và không nghèo ít có chênh lệch lớn, người dân khó khăn nên cũng muốn vào diện nghèo. Do đó, chỉ khi nào chúng ta thay đổi chính sách một cách căn bản, triệt tiêu tư tưởng trông chờ, muốn thụ hưởng phần "cho không" của Nhà nước thì người dân mới có thể không có tư tưởng vào diện nghèo, chỉ muốn được Nhà nước hỗ trợ để thoát nghèo...” - ông Đàm khẳng định.
Thống kê hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều mới của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy hiện cả nước có hơn 2,33 triệu hộ nghèo (chiếm 9,8% số hộ cả nước), số hộ cận nghèo trên 1,23 triệu hộ.
Tỉnh có nhiều hộ nghèo nhất nước là Thanh Hóa (hơn 128.000 hộ), Nghệ An (hơn 95.000 hộ), Sơn La (hơn 92.000 hộ). Trong khi Bình Dương là địa phương duy nhất không có hộ nghèo và cận nghèo, TP.HCM cũng chỉ có 344 hộ nghèo, trong khi Hà Nội có hơn 53.000 hộ nghèo, xếp thứ 14.