Từ người giàu có, doanh nhân, nghệ sĩ… đến người lao động bình thường.
Theo lời kêu gọi của các tổ chức đoàn thể, tôn giáo, người dân TP đã và đang tích cực ủng hộ tiền bạc, quần áo, lương thực thực phẩm giúp đồng bào chịu thiệt hại lũ lụt ở miền Trung. Nhiều tiểu thương đã bỏ buôn bán đi vận động và tham gia các đoàn cứu trợ.
Nghèo tiền nhưng giàu lòng nhân ái
Tại con hẻm nhỏ ăn thông từ đường Lê Văn Sỹ (quận 3) qua tới đường Huỳnh Văn Bánh (quận Phú Nhuận), tôi gặp mấy bà ở Hội Phụ nữ phường hay Hội Chữ thập đỏ đang đi quyên góp. Trời lắc rắc mưa, họ dừng lại ngồi ởquán cóc đầu hẻm. Tôi cũng đang ngồi uống cà phê, xin đóng góp một ít. Một bà cám ơn. Tôi nói: “Tôi phải cám ơn mấy chị đã bỏ công sức đi quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung mới phải chứ!”. Một bà nói: “Ở xóm nghèo này, đi từ sáng giờ mà chỉ quyên góp được hơn 2 triệu đồng. Nhiều người có tấm lòng nhưng họ nghèo quá, đóng góp chẳng được bao nhiêu. Có người một chục, người hai chục. Người nhiều lắm được năm chục. Chả bù thằng con tôi bảo có cậu MC gì đó của Đài Truyền hình VTV kêu gọi chỉ mấy ngày mà được mười mấy tỉ đồng, ghê thiệt!”
Một ông già ngồi kế bên nói: “Người ta là người nổi tiếng, một lời kêu gọi của họ bằng hàng vạn câu nói của mình! Tiếc là những người như cái cậu MC gì đó không nhiều. Bà con mình đông đảo, mỗi người chung tay một chút. “Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Mình tuy khác giàn nhưng cùng một giống. Dù hoàn cảnh tụi mình nghèo khó nhưng xem tivi thấy bà con ngoài ấy sao khổ quá! Mấy bà cho tui góp hai chục. Tiền ăn sáng thằng con đưa đó. Chút nữa tui về ăn mì gói. Mình nghèo nhưng mình có tấm lòng”.
Ở Sài Gòn mưa ngập một buổi đã kêu
Đó là câu tôi nghe được tại buổi trò chuyện của mấy sinh viên ở trạm xe buýt trước cổng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, gần ngãtư Thủ Đức. Một cậu than: “Ôi, trời sắp mưa bão đến nơi mà chưa thấy xe đâu! Xóm trọ mình cứ mưa là ngập tới quá đầu gối, có bữa hai, ba ngày mới rút hết. Rồi lại triều cường ngập quá nền nhà, thiệt chán nhưng chưa biết đi đâu có giá thuê mềm như ởđó!”. Một cậu khác bảo: “Mình ở đây chỉ một cơn mưa lớn ngập đường đã kêu, bà con ngoài Hà Tĩnh, Thừa Thiên-Huế, nhất là Quảng Bình - quê ngoại mình, mưa lũ ngập cả 2-3 m tới mái nhà. Mà ngập có khi cả tuần mới rút, nghĩ thương bà con mình ngoài đó quá! Chưa hết ô nhiễm biển, cá chết hết ngư dân khốn khổ. Giờ lại tới lũ lụt, bà con nông dân mất hết hoa màu, biết sống sao đây?”. Cuộc trò chuyện tạm ngưng khi một chiếc xe buýt trờ tới, mấy cậu nhảy lên xe vừa vẫy tay vừa nói: “Mình đi trước nha!”. Mấy cậu còn lại chờ chuyến xe khác, họ cùng chờ tuyến xe với tôi. Lên xe, tôi ngồi cạnh một cậu người Gia Lai. Cậu nói: “Quê cháu miền núi, chẳng bao giờ thấy lũ lụt. Nhưng cháu xem tivi thấy ngoài Trung lũ lụt lớn quá, bà con khổ quá nên cháu xin tham gia đoàn sinh viên cứu trợ đi Quảng Bình giúp đỡ bà con dựng lại nhà cửa đã bị lũ cuốn trôi”.
Xe qua khỏi cầu Sài Gòn, trời vẫn mưa tầm tã, nước ngập trắng xóa, nhiều xe chết máy. Mấy người dắt xe đến chỗ sửa xe nhờ súc nước ống pô và chùi bugi phải sắp hàng chờ thợ, vì xe chết máy càng lúc càng đông. Một ông nói bâng quơ như than thở: “Trời mưa mà lại triều cường, ngập quá làm sao đi đón con kịp đây hở trời!”. Một cô gái trẻ cũng đang chờ sửa xe nói: “Ở Sài Gòn mới ngập đã kêu. Ngoài Trung lũ lớn, nước dâng mấy mét, nhiều người phải leo lên mái nhà ở mấy ngày…”. Tôi chợt nhớ câu nói của cậu sinh viên hồi nãy. Và tôi vui khi những người trẻ còn nghĩ đến đồng bào miền Trung.