Báo The New York Times dẫn lời thành viên Lực lượng Vệ binh Quốc gia Ukraine đánh giá rằng bom lượn của Nga hiệu quả trong việc tấn công các vị trí của Ukraine, thậm chí có thể xuyên thủng các boongke dưới lòng đất và đặt ra mối đe dọa đáng kể cho binh lính nước này.
Bom lượn Nga - một trong những nỗi sợ lớn nhất đối với binh sĩ Ukraine
Kể từ tháng 3-2023, lực lượng Ukraine đã phải vật lộn với sức tàn phá của bom lượn, đến mức các binh lính dày dạn kinh nghiệm, quen với việc pháo kích cũng cảm thấy kinh khủng.
Theo một lính vệ binh Ukraine có tên hiệu Kit, các loại bom lượn của Nga được triển khai theo cặp, với 8 đợt ném bom mỗi giờ, tạo ra âm thanh giống như máy bay đang hạ cánh.
“Nghe giống như một chiếc máy bay đang lao xuống bạn, giống như cổng địa ngục” – binh sĩ Ukraine nói.
Binh lính Ukaine có tên Olexandr Solon’ko cũng bày tỏ: “Bom lượn là một trong những nỗi sợ lớn nhất đối với các binh sĩ Ukraine”.
Câu nói trên nhấn mạnh sự lo ngại ngày càng tăng trong quân đội Ukraine về tác động và đe dọa mà những quả bom này đặt ra.
“Người Nga sử dụng chúng rộng rãi. Tôi không thể nói về độ chính xác của chúng, nhưng vũ khí này rất mạnh” – binh sĩ Solon’ko nói.
The New York Times nhấn mạnh rằng các thị trấn, làng mạc gần tiền tuyến có dấu hiệu tàn phá rõ ràng do những quả bom lượn này gây ra. Orikhiv, trước đây là một trung tâm chỉ huy quan trọng, giờ đây chỉ còn là đống đổ nát. Đường phố chính vắng tanh, các công trình kiến trúc, kể cả trường học cũng chỉ còn lại là những hố bom khổng lồ.
Ngoài ra, việc Nga sử dụng máy bay không người lái (UAV) cũng đặt ra một mối đe dọa nghiêm trọng cho quân đội Ukraine, ảnh hưởng đến các đường tiếp tế tiền tuyến, khiến việc di chuyển bằng ôtô vô cùng khó khăn. Binh lính Ukraine đã phải bỏ lại phương tiện di chuyển bằng xe cộ và chuyển sang đi bộ dù khoảng cách rất xa.
Trước tình hình như vậy, các đơn vị Ukraine đã ngưng sử dụng phương tiện truyền thống, thay vào đó là dùng xe buggy 4 bánh tạm thời do các kỹ sư tình nguyện thiết kế. Phương tiện vận chuyển thay thế này được bố trí kín đáo dưới tán cây cách tiền tuyến vài km.
Trong khi lực lượng Ukraine sử dụng UAV góc nhìn thứ nhất (FPV) nhằm vào các vị trí của Nga, họ cũng thừa nhận rằng Nga đã áp dụng và tăng cường chiến thuật này, khiến các khu vực tiền tuyến tràn ngập UAV trong những tuần gần đây.
Các hoạt động UAV ngày càng tăng ở cả hai bên đã chứng tỏ tính sát thương, khiến binh sĩ và chỉ huy Ukraine lo ngại. Các binh lính Ukraine, trong đó có lính vệ binh Kit nói rằng chương trình UAV của Nga là ở cấp nhà nước, còn Ukraine lại phụ thuộc nhiều vào sự tài trợ của tình nguyện viên và dân thường cho chương trình UAV nước này.
Thách thức đánh chặn bom lượn
Được trang bị các bộ kit lượn, loại bom này mang lại lợi thế về khoảng cách phóng mở rộng, giảm thiểu nguy cơ máy bay phóng loại bom này bị hệ thống phòng không đối phương phát hiện. Chiến thuật này tương tự bộ kit JDAM-ER mà Mỹ đã cung cấp cho Ukraine.
Các quan chức quân sự Ukraine cảnh báo rằng những quả bom lượn này, khi được các chiến cơ Nga triển khai và bay ở độ cao cực kỳ thấp trên tiền tuyến, gây ra sự tàn phá lớn.
Không quân Nga đã trang bị cho các máy bay ném bom nước này những quả bom có cánh, được dẫn đường bằng vệ tinh, có khả năng tiến hành các cuộc tấn công chính xác từ hàng chục km.
Việc sử dụng các loại bom lượn UPAB-1500 và FAB-500 đã giúp các máy bay Nga nằm ngoài tầm bắn của hầu hết hệ thống phòng không trên mặt đất của Ukraine.
Điều này không chỉ cản trở khả năng của Không quân Ukraine trong việc đánh chặn máy bay Nga trước khi triển khai bom mà còn đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng cho cơ sở hạ tầng dân sự.
Tháng 12-2023, Đại tá Roman Kostenko - Thư ký Ủy ban Quốc hội Ukraine (Verkhovna Rada) về An ninh, Quốc phòng và Tình báo nhận định quân đội Ukraine thiếu các biện pháp thích hợp để chống lại những loại bom lượn này.
Trong khi đó, ông Yuriy Ihnat, người phát ngôn Không quân Ukraine nhấn mạnh rằng việc nỗ lực đánh chặn những quả bom trên là không thực tế và cũng không hợp lý. Thay vào đó, ông Ihnat ủng hộ chiến lược tập trung vào tấn công các máy bay phóng loại bom này.
Ngoài những cân nhắc về mặt quân sự, khả năng chi trả các bộ kit dẫn dường gắn trên bom lượn phù hợp với sự nhạy cảm kinh tế của các nhà hoạch định quân sự Nga.
Có giá khoảng 24.000 USD, những bộ kit này hoàn toàn trái ngược với giá của một quả tên lửa hành trình Kalibr của Nga (gần 6,5 triệu USD). Cách tiếp cận hiệu quả về chi phí càng củng cố thêm lợi thế chiến lược của Nga trong các hoạt động quân sự của nước này.
Ukraine cũng đã nhận được bom lượn thông qua các gói viện trợ quân sự của Mỹ, đáng chú ý là bom tấn công trực diện phối hợp JDAM (Joint Direct Attack Munitions) và bom tấn công trực diện phối hợp mở rộng JDAM-ER.
Những bộ kit JDAM này rất quan trọng trong việc biến các loại bom không dẫn đường thông thường thành những quả bom thông minh dẫn đường chính xác, cho phép phóng từ nhiều loại máy bay.