Bình ổn thị trường ngày càng lan rộng

Sau 13 năm thực hiện, chương trình bình ổn thị trường đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Trong cuộc họp đầu năm, Chính phủ đã đánh giá cao và đề nghị các tỉnh/thành khác học tập TP.HCM để nhân rộng trên cả nước. Do đó năm 2014-2015, TP.HCM tiếp tục thực hiện chương trình này nhằm góp phần đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, chăm lo an sinh xã hội cũng như gắn với việc thực hiện cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Giá thấp hơn thị trường 5%-10%

Năm nay chương trình vẫn tiếp tục với bốn chương trình: Hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, áp dụng đối với chín nhóm hàng. Chương trình bình ổn phục vụ các mặt hàng mùa khai giảng với bốn nhóm hàng. Chương trình bình ổn các mặt hàng sữa, chương trình bình ổn dược phẩm. Trong nhóm lương thực, thực phẩm có bổ sung các mặt hàng như nước tương, gia vị, cháo dinh dưỡng, miến, phở khô, thủy hải sản khô... Chương trình năm nay sẽ tăng cường cung ứng hàng hóa của các HTX nông nghiệp, nhằm hướng đến mục tiêu các sản phẩm đều đạt chuẩn VietGap phục vụ thị trường.

Bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết doanh nghiệp (DN) tham gia chương trình phải xây dựng và đăng ký giá bán với Sở Tài chính theo nguyên tắc xác định đầy đủ, chính xác cơ cấu tính giá theo các yếu tố hình thành giá và phải thấp hơn giá thị trường của sản phẩm cùng quy cách, chủng loại, chất lượng tại thời điểm đăng ký giá ít nhất từ 5% đến 10%.

 
NTD luôn hồ hởi đón nhận các chương trình bình ổn giá của TP.HCM. Ảnh minh họa: TÚ UYÊN

Bên cạnh đó, cơ chế điều chỉnh giá cũng phải linh hoạt. Theo đó, khi giá nguyên vật liệu, chi phí đầu vào biến động tăng từ 5% đến 10% DN được điều chỉnh giá bán sau khi được Sở Tài chính chấp thuận bằng văn bản. Trường hợp thị trường giảm giá từ 5% trở lên, DN chủ động điều chỉnh giảm giá bán tương ứng và gửi thông báo về Sở Tài chính. Hoặc thị trường giảm giá chưa đến 5%, các đơn vị chủ động thực hiện các chương trình khuyến mãi phù hợp cho người tiêu dùng (NTD).

Các DN tham gia cho biết để hàng hóa đảm bảo thấp hơn thị trường thì việc chủ động nguồn hàng là quan trọng nhất. Đại diện hệ thống siêu thị Co.opmart cho biết năm nay đơn vị tham gia đầy đủ chín nhóm hàng như mọi năm. Hiện Co.opmart đang thực hiện ứng vốn cho các HTX vệ tinh, DN để phát triển sản xuất, cung ứng hàng hóa cho chương trình. Ngoài ra, đơn vị đã chủ động tổ chức sản xuất để đảm bảo lượng hàng bình ổn tăng 20% so với năm ngoái. 

Ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty CP Vĩnh Thành Đạt, cho biết công ty đã đầu tư trang trại trứng vịt ở Sóc Trăng với tổng đàn 20.000 con. Một tháng thu lại khoảng 5.000-6.000 quả trứng. Riêng trứng gà, công ty liên kết bao tiêu sản phẩm với các trang trại ở Long An và Tiền Giang. Mỗi tháng cung ứng lượng trứng bình ổn khoảng 2 triệu quả. Trong trường hợp thị trường có đột biến thì sản lượng cung ứng sẽ tăng gấp đôi.

Ông Phan Văn Thuận, Phó TGĐ Công ty Nước mắm Nha Trang 584, cho biết năm nay đã mua hơn 3.500 tấn cá, theo đó cung ứng cho thị trường khoảng 4-5 triệu lít/năm.

Nhận diện hàng bình ổn qua logo

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Trưởng phòng Quản lý thương mại Sở Công Thương TP.HCM, cho biết do có tình trạng một số DN, cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ buôn bán những sản phẩm không phải là thiết yếu nhưng cũng lập lờ trương bảng bán hàng bình ổn giá để thu hút NTD. Điều này dễ gây nhầm lẫn cho NTD và mất uy tín của chương trình. Để khắc phục, Sở Công Thương đã triển khai cho các DN đưa logo vào hàng bình ổn nhằm giúp NTD dễ nhận biết chính xác hàng bình ổn, điểm bán…

Phấn khởi với việc đưa logo vào hàng bình ổn, ông Thiện cho hay hàng bình ổn được gắn logo trên sản phẩm sẽ được NTD tin tưởng hơn, hiệu quả hơn. Theo ông Thiện, logo hàng bình ổn còn giúp cơ quan chức năng phát hiện những đơn vị nào “nhái” và sẽ bị chế tài ngay.

Được biết hiện nay chương trình bình ổn thị trường đã thực hiện xã hội hóa, không sử dụng vốn ngân sách với lãi suất 0% mà các ngân hàng tham gia vào và cho DN vay với lãi suất ưu đãi. Cụ thể, năm nay tổng nguồn vốn các ngân hàng tham gia chương trình là 8.300 tỉ đồng, tăng 6.340 tỉ đồng so năm 2013. Ngoài ra, các ngân hàng còn đăng ký thêm gói tín dụng 3.350 tỉ đồng với lãi suất 7%-8%/năm để hỗ trợ các DN sản xuất, kinh doanh phát triển hệ thống phân phối. Trong đó, ưu tiên các HTX sản xuất nông sản - thực phẩm.

TÚ TRẦN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm