Ngày 25-4, ông Đoàn Anh Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã ký công văn hỏa tốc gởi các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai công tác chuẩn bị Lễ Khánh thành Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, đoạn Phan Thiết - Dầu Giây.
Nút giao cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Ảnh: PHƯƠNG NAM |
Chủ tịch UBND tỉnh giao Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với UBND huyện Hàm Thuận Nam và các đơn vị liên quan triển khai các phương án bảo đảm an toàn, an ninh, phân luồng tổ chức giao thông, y tế, phòng cháy chữa cháy tại khu vực tổ chức Lễ Khánh thành.
Công ty Điện lực Bình Thuận bảo đảm nguồn điện lưới tại khu vực tổ chức Lễ Khánh thành.
Tỉnh Bình Thuận đang gấp rút triển khai phối hợp tổ chức Lễ khánh thành. Ảnh: PHƯƠNG NAM |
Đồng thời giao Công ty Viễn thông Bình Thuận (VNPT Bình Thuận) phối hợp với Ban Quản lý dự án (QLDA) Thăng Long và Báo Giao thông đảm bảo công tác kết nối truyền hình trực tuyến và thông tin liên lạc phục vụ Lễ Khánh thành.
Giao Sở GTVT và Văn phòng UBND tỉnh phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Bộ GTVT, Ban QLDA Thăng Long và các đơn vị liên quan tổ chức, đảm bảo công tác hậu cần, đón tiếp các đại biểu của các cơ quan Trung ương đến tham dự buổi lễ.
Nút giao cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và cao tốc Long Thành - Dầu Giây. Ảnh: PHƯƠNG NAM |
Phân công ông Nguyễn Quốc Nam, Phó Giám đốc phụ trách Sở GTVT là đầu mối phối hợp cùng Văn phòng Bộ GTVT, Ban QLDA Thăng Long trong công tác chuẩn bị tổ chức Lễ khánh thành. Thường xuyên báo cáo UBND tỉnh để có chỉ đạo kịp thời.
Giao UBND huyện Hàm Thuận Nam mời quần chúng, nhân dân sinh sống trong khu vực Dự án (khoảng 30 người) tham dự Lễ khánh thành.
Cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây dài 99 km, nối Bình Thuận với Đồng Nai, có điểm đầu tại xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận và điểm cuối kết nối với đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây tại huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án hơn 18.100 tỷ đồng, khởi công vào tháng 9-2020 và khánh thành vào ngày 29-4-2023.