Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Thuận vừa có báo cáo kết quả công tác thi hành án dân sự năm 2024.
Theo đó, trong năm đã thi hành xong 12.206 việc với số tiền hơn 1.400 tỉ đồng (tăng 107,48% so với cùng kỳ năm 2023).
Về thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế: Tổng số phải thi hành 17 việc, với số tiền hơn 50 tỉ đồng và đã thi hành xong 4 việc, với số tiền hơn 1,5 tỉ đồng…
Đối với kết quả tổ chức thi hành phần dân sự trong các bản án hình sự đối với phạm nhân tại các Trại giam thuộc Bộ Công an, năm 2024, tổng số việc, tiền phải thi hành của người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù là 1.927 việc, tương ứng với số tiền hơn 152 tỉ đồng và đã thi hành xong 1.141 việc, tương ứng với số tiền hơn 12 tỉ đồng.
Đối với số lượng các vụ việc thi hành án dân sự trọng điểm, toàn ngành thi hành án dân sự tỉnh Bình Thuận có 4 việc trọng điểm, tương ứng với số tiền hơn 8,6 tỉ đồng nhưng chưa tổ chức thi hành xong vụ việc nào do các vụ việc rất phức tạp.
Theo báo cáo, nguyên nhân án tồn đọng, kéo dài là do lượng án thụ lý mới tăng cao cả về việc và tiền, tính chất vụ việc ngày càng phức tạp, trong khi biên chế được giao tiếp tục bị cắt giảm và thiếu, phần nào ảnh hưởng đến việc thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.
Một số việc phải thi hành án với số tiền rất lớn nhưng khi tổ chức thi hành gặp nhiều vướng mắc do liên quan đến việc kê biên, xử lý tài sản là dự án đầu tư của doanh nghiệp.
Để tổ chức thi hành án những vụ việc này cần nhiều thời gian cho công tác phối hợp với các cơ quan, ban ngành liên quan trong khâu xác minh, xử lý tài sản nên chưa thi hành xong.
Cụ thể, như vụ Công ty TNHH Suối Cát phải thi hành án hơn 405 tỉ (hoãn thi hành án); Công ty TNHH Trường mầm non và tiểu học Thanh Nguyên phải thi hành án 80 tỉ; Công ty cổ phần Hải Phong Việt phải thi hành hơn 77 tỉ; Công ty TNHH du lịch Tiến Phú hơn 60 tỉ; Công ty TNHH thương mại dịch vụ xây dựng Thiên Ân và Công ty cổ phần đầu tư xây dựng thương mại Cát Tường Minh phải thi hành hơn 40 tỉ hay vụ Công ty Tân Việt Phát phải nộp lại cho UBND tỉnh Bình Thuận hơn 45 tỉ đồng…
Để giải quyết các tồn tại nêu trên, giải pháp của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Thuận là tập trung chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao năm 2025.
Theo đó, chỉ đạo các Chi cục thi hành án dân sự, các chấp hành viên chủ động, tích cực tổ chức thi hành án, xác định có trọng tâm, trọng điểm. Tập trung nguồn lực tổ chức thi hành các vụ việc thi hành án dân sự trọng điểm; các vụ việc thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế; các vụ việc liên quan đến tổ chức tín dụng, ngân hàng có giá trị thi hành trên 20 tỉ đồng, có điều kiện thi hành, đã quá 3 năm chưa thi hành xong; các vụ việc đã bán đấu giá thành nhưng chưa giao được tài sản; các vụ việc có điều kiện, đã quá 1 năm chưa thi hành xong.
Đối với các vụ việc có giá trị nhỏ (như án phí, hoàn trả,...) hoặc những vụ việc mà các trại giam thu tiền của phạm nhân đã chuyển về cho đơn vị phải chỉ đạo thi hành dứt điểm. Định kỳ hàng tháng làm việc trực tiếp với các đơn vị, chấp hành viên có các vụ việc thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế do Ban chỉ đạo Trung ương, Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo…