Ngày 17-12, Đoàn giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai do Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh - ông Quản Minh Cường làm trưởng đoàn giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác Thi hành án dân sự trên địa bàn Đồng Nai trong 4 năm (từ tháng 10-2020 đến tháng 9-2024).
Dự buổi giám sát có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Thắng Lợi cùng đại diện các sở, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan trong tỉnh.
Cần chấn chỉnh kịp thời cán bộ thi hành án
Đại diện THADS tỉnh Đồng Nai báo cáo trong 4 năm qua cơ quan THADS của tỉnh Đồng Nai đã nhận hơn 70.100 bản án, quyết định của TAND các cấp; Đã thực hiện hơn 56.000 vụ việc; Kết quả THADS năm sau cao hơn năm trước và cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ.
Tuy nhiên lượng án ngày càng tăng cao, tính chất phức tạp, rủi ro trong quá trình tổ chức thi hành án ngày càng cao; nhiều vụ việc có số lượng đương sự lên đến hàng trăm, hàng ngàn người; dẫn đến áp lực rất lớn trong công tác tổ chức THADS. Bên cạnh đó nhân sự hiện vẫn đang thiếu so với chỉ tiêu giao.
Tại buổi làm việc, ông Lê Ngọc Minh, Phó Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy Đồng Nai, nhận định có vụ việc THADS vi phạm mang tính chất về nhận thức pháp luật để cho đương sự tẩu tán tài sản. Việc xử lý cán bộ THA vi phạm thời gian qua chưa nghiêm, chưa bị xử lý kỷ luật đã chuyển sang đơn vị khác.
"Vì vậy đề nghị lãnh đạo Cục THADS cho rà soát, chấn chỉnh kịp thời cán bộ, công chức làm công tác THADS” - Phó Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy Đồng Nai phát biểu.
Bên cạnh đó, ông Lê Ngọc Minh cho rằng nhiều vụ việc THA bán đấu giá tài sản nhưng lại không giao cho người mua trúng đấu giá. Có trường hợp người mua trúng đấu giá bất động sản của cơ quan THA đã 8 năm mà đến giờ vẫn không ra sổ được. Điều này vô hình chung khiến không ai dám mua tài sản bán đấu giá của THA.
Bên cạnh đó, Phó Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy Đồng Nai nhận thấy việc thực hiện thi hành pháp luật trong THA vẫn chưa đạt hiệu quả dẫn đến vụ việc kéo dài nhiều năm. Do đó cần có quy chế phối hợp của các ngành để tháo gỡ vướng mắc, tồn tại.
Cơ quan thi hành án đừng để người dân phải mong mỏi, chờ đợi
Phát biểu tại buổi giám sát, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Thắng Lợi cho biết Tổng cục THADS ghi nhận tất cả ý kiến góp ý; lãnh đạo Tổng cục THADS sẽ làm việc với Cục THADS tỉnh Đồng Nai để cùng nhau bàn luận, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thời gian tới.
Tại buổi giám sát, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai Quản Minh Cường đưa ra một vụ việc mà bản án có hiệu lực pháp luật đã 18 năm nhưng đến nay vẫn chưa được THA xong.
"Những năm qua cơ quan THA làm những gì, có đề xuất gì không hay vụ việc cất trong tủ để cơ quan nhà nước, người dân phải chờ?" - ông Cường đặt câu hỏi.
Qua báo cáo, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai cho rằng vụ việc đang tồn đọng trong những năm qua dồn lại chưa được giải quyết rất lớn, điều này đồng nghĩa với việc pháp luật không được thực thi. Do đó đề nghị THADS phải hết sức cố gắng và nỗ lực hơn nữa.
Bên cạnh đó phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong đội ngũ cán bộ, công chức THA; đừng để những “con sâu làm rầu nồi canh”, làm ảnh hưởng chung đến công tác THA.
Tại buổi làm việc, Trưởng Đoàn ĐBQH cho biết cần xem xét lại một số quy định của pháp luật để kiến nghị lên Quốc hội. Ông ví dụ vụ việc 5 năm mới có bản án và có hiệu lực pháp luật thì bỗng dưng một người gửi đơn kiện, rồi tòa thụ lý đã quyết định tạm đình chỉ việc thực hiện việc THA. Một lá đơn mà THA không làm được, rồi vụ việc cứ để trong tủ, người dân phải mong mỏi chờ đợi, công lý ở đâu? Như vậy có đúng quy định pháp luật hay không?
"Vì vậy cần xem xét, nên chăng những vụ án có hiệu lực muốn tạm đình chỉ hoặc đình chỉ thì phải có một bản án khác có hiệu lực pháp luật" - ông Quản Minh Cường nhấn mạnh.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai cũng đề nghị THADS tỉnh Đồng Nai quan tâm các bản án hành chính, xử lý vụ việc phải rất công tâm, thấu tình đạt lý, đừng để người dân thiệt hại. Kịp thời kiến nghị nếu có vướng mắc, tăng cường phối hợp nhất là trong vụ việc cần cưỡng chế, và trong đấu giá để tránh tiêu cực.