Gần như toàn bộ buổi sáng, các đại biểu đã tập trung chất vấn về tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn tỉnh.
Kỳ họp nóng với vấn đề khai thác khoáng sản.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Thuận, từ tháng 10-2017 đến nay, UBND tỉnh ban hành hơn 15 văn bản chỉ đạo, phân công trách nhiệm cho từng sở, ngành, địa phương triển khai xử lý tình trạng khai thác, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ khoáng sản vật liệu xây dụng thông thường trái phép.
Tỉnh cũng có phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác. Cạnh đó, ký quy chế phối hợp bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; kiểm tra, xử lý vi phạm hoạt động khoáng sản và bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản vùng giáp ranh với hai tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu.
Đến nay các cơ quan chức năng của tỉnh đã triển khai kiểm tra và xử lý hơn 320 vụ vi phạm về khai thác khoáng sản với tổng số tiền phạt 1,865 tỉ đồng.
Ngoài những giải pháp nêu trên, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo Sở Xây dựng trên cơ sở dự báo nhu cầu vật liệu xây dựng thông thường, nhất là cát, đất trong thời gian tới, phối hợp với Sở TN&MT, các địa phương và sở, ngành liên quan rà soát, đối chiếu với tình hình thực tế, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch.
Sở TN&MT được giao tổ chức triển khai đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo kế hoạch đã được duyệt; xem xét cấp phép các khu vực không đấu giá phục vụ các công trình vốn ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật tránh để mất cân đối cung cầu làm cho giá cả tăng cao, thiếu hụt nguồn cung dẫn đến khai thác khoáng sản trái phép…
Đại biểu Nguyễn Toàn Thiện chất vấn giám đốc Sở TN&MT rằng việc có nhiều doanh nghiệp lợi dụng giấy phép được cấp ở vùng giáp ranh và các cơ quan chức năng đã cố tình tạo kẽ hở để khai thác trái phép, trách nhiệm của giám đốc Sở đến đâu.
Góp ý với tình trạng khai thác cát xây dựng trái phép, đại biểu Lê Văn Long băn khoăn “Bắt bớ, ngăn cấm chỉ làm cho việc khai thác trái phép diễn ra nhiều hơn. Theo tôi, phải tìm hiểu rõ nguyên nhân vì đó là mấu chốt và một trong những nguyên nhân chính là mất cân đối giữa cung và cầu”.
Ông Long cho rằng việc cấp giấp phép khai thác cát hiện nay quá rườm rà, nhiêu khê, qua nhiều khâu và mất rất nhiều thời gian trong khi ai cũng có nhu cầu bồi nền, xây dựng nhà cửa. “Chúng ta phải mạnh dạn kiến nghị thay đổi Luật Khoáng sản; phải mạnh dạn giao quyền, phân cấp cho địa phương... Cái gì ở trên trung ương cũng ôm đồm hết; vàng bạc, đá quý thì có thể ôm được nhưng cát sỏi xây dựng thì nên phân về địa phương” - ông Long đề xuất.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, đề nghị các đại biểu Quốc hội có mặt tại kỳ họp cùng với tỉnh có trách nhiệm chuyển những đề xuất trên đến các cơ quan có trách nhiệm ở trung ương.
“Khoáng sản như cát sỏi là vật liệu thông thường, nên chuyển và phân cấp hợp lý cho cấp tỉnh, cấp huyện. Các cơ quan trung ương cứ quản lý hết việc này thì không đủ thời gian thực hiện nhiệm vụ khác” - ông Hùng bày tỏ.
Quang cảnh kỳ họp.
Buổi chiều, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tiếp tục nóng lên việc khai thác khoáng sản titan mà Bình Thuận từng được xem là nơi có trữ lượng lớn nhất Việt Nam.
Báo cáo của UBND tỉnh cho hay việc phản ánh các đơn vị khai thác khoáng sản trái phép (khai thác lậu) là chưa chính xác vì các doanh nghiệp được Bộ TN&MT cấp giấy phép khai thác khoáng sản.
Cũng theo tỉnh, về thông tin phản ánh các công ty chưa được cấp phép khai thác nguồn nước dưới đất nhưng sử dụng giếng khoan lượng nước ngầm trong vùng để khai thác khoáng sản titan, trong khi lượng nước ngầm trong vùng không nhiều dẫn đến trong vùng thiếu nước sinh hoạt, thiếu nước ngầm dẫn đến cây chết, ảnh hưởng môi trường là chưa chính xác.
Còn các đại biểu cho rằng việc Công ty Đầu tư Sài Gòn chưa đủ điều kiện khai thác khoáng sản nhưng đã khai thác hơn 10.000 tấn với lý do là “vận hành để máy móc khỏi rỉ sét” là quá vô lý. “Trách nhiệm này thuộc về Sở TN&MT và đoàn kiểm tra liên ngành” - ông Trần Văn Hải, Chánh Thanh tra tỉnh Bình Thuận, khẳng định.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, chủ tọa kỳ họp, thẳng thắn cho biết báo cáo của UBND tỉnh cho rằng những khu vực khai thác titan không tụt nước ngầm nhưng sự thật không phải như thế. "Theo phản ảnh của bà con sống ở những khu vực này có kèm theo hình ảnh thì việc cây cối bị chết do thiếu nước và nước ngầm sụt giảm là có thật và cần phải làm rõ thêm. Tôi đề nghị có đại diện Văn phòng Chính phủ tại đây nên lắng nghe những phản ảnh của cử tri tại kỳ họp này” - ông Hùng nói.
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, các đại biểu cũng tập trung đặt câu hỏi về tình trạng nợ thuế của một số doanh nghiệp và biện pháp thu hồi. Theo báo cáo của UBND tỉnh, tổng nợ thuế đến ngày 31-12-2016 là 949 tỉ đồng. Trong đó, nợ có khả năng thu là 401 tỉ đồng. Có đến hơn 285 tỉ đồng là nợ khó thu bao gồm: Chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự; liên quan đến trách nhiệm hình sự; không còn hoạt động, chấm dứt hoạt động kinh doanh; chờ giải thể; mất khả năng thanh toán; nợ áp dụng hết các biện pháp cưỡng chế; nợ đang xử lý và tiền thuế đang khiếu nại... |