Sáng 18-7, kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh Bình Thuận khóa X đã khai mạc tại Trung tâm hội nghị tỉnh.
Phát biểu khai mạc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Mạnh Hùng cho biết tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh trong sáu tháng đầu năm 2018 đã đạt được kết quả khá. Tuy nhiên, theo ông, Bình Thuận vẫn đang phải đối mặt với không ít hạn chế, khó khăn…
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Thuận.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lương Văn Hải, sáu tháng đầu năm 2018, kinh tế của tỉnh tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội những tháng đầu năm 2018 của tỉnh còn bộc lộ một số hạn chế, yếu kém.
Tiến độ đầu tư kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và thu hút các dự án đầu tư thứ cấp còn chậm. Vệ sinh môi trường ở một số khu, điểm du lịch vẫn chưa có chuyển biến, nhất là vào các dịp lễ, Tết, các đợt du lịch cao điểm.
"Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội có nơi, có lúc còn diễn biến phức tạp. Việc nắm bắt, dự báo, phân tích tình hình và xử lý kịp thời những vấn đề nổi cộm phát sinh ở một số địa bàn chưa đạt yêu cầu, nhất là một số phần tử xấu lôi kéo, kích động người dân tụ tập đông người, đập phá tài sản, làm ùn tắc giao thông, ảnh hưởng nghiêm trọng tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong hai ngày 10 và 11-6 tại Phan Thiết và Tuy Phong..." - báo cáo nêu.
Quang cảnh kỳ họp.
Đối với tình hình mất rừng, đại biểu Lê Văn Long cho rằng tỉnh cần phải làm việc với Bộ NN&PTNT, tỉnh Lâm Đồng bởi rất nhiều cơ sở mộc ở Lâm Đồng sát với cửa rừng của Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Lũy (Bắc Bình, Bình Thuận), ngoài ra còn rất nhiều loại xe cải tiến để vào rừng triệt hạ gỗ cũng đều là của người dân Lâm Đồng nằm ở khu vực giáp ranh.
Ông Long đề xuất và thống nhất việc đưa máy bay không người lái vào tham gia giữ rừng.
Nói thêm về tình trạng giữ rừng ở vùng giáp ranh, ông Mai Kiều, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết hiện đã nắm được lâm tặc ở huyện Đức Trọng, Lâm Đồng đang sở hữu 17 ô tô cải tiến vượt mọi địa hình để phá rừng và giá mỗi xe này đều hơn 1 tỉ đồng.
“Trong khi các loại xe cải tiến này CSGT Bình Thuận đều cấm triệt để thì CSGT tỉnh Lâm Đồng lại không cấm nên rất khó xử lý. Cạnh đó lâm tặc vô cùng dữ tợn sẵn sàng dùng hung khí chống trả lực lượng chức năng. Chúng tôi đã xin cơ chế ở Bộ nhưng đến nay vẫn chưa thấy trả lời và sắp tới đây sẽ tiếp tục làm việc với Bộ NN&PTNT và tỉnh Lâm Đồng về vấn nạn phá rừng này” - ông Kiều cho biết.
Ở lĩnh vực môi trường, đại biểu Nguyễn Dân kiến nghị tỉnh Bình Thuận làm việc với Thủ tướng Chính phủ, đưa Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân vào diện giám sát đặc biệt về môi trường…
Kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh Bình Thuận sẽ diễn ra từ ngày 18 đến 20-7, trong đó tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, một số vấn đề, vụ việc mà Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh cũng được đưa vào chương trình như vụ “Trộm cát, phá rừng công khai tại lòng hồ thủy điện Hàm Thuận-Đa Mi”.
Tại kỳ họp này, trong phần thảo luận, đại biểu Thanh Thị Kỷ, Phó ban Dân tộc tỉnh Bình Thuận, đã nhắc lại bài học mà Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh. Đó là vụ tráo máy Nhật bằng máy Trung Quốc phát cho dân nghèo mà theo bà Kỷ đến nay vụ việc vẫn chưa kết thúc. Nhắc lại vụ án "Hai nông dân nhận hối lộ” mà Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, đại biểu Nguyễn Toàn Thiện cho rằng ông chưa thấy tòa án nào lại áp dụng truy tố khung 2 nhưng lại miễn hình phạt tù. “Tôi cho rằng trong xét xử vụ án này có nhiều lúng túng. Oan thì bồi thường, xin lỗi; sai thì phải sửa” - đại biểu Thiện nhấn mạnh. |