Ngày 27-6, Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận cùng các đơn vị có liên quan đã mời các hộ dân nuôi cá lồng bè trên vùng biển Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong, Bình Thuận) để công bố kết quả nguyên nhân cá nuôi lồng bè bị chết thời gian qua.
Quang cảnh buổi công bố.
Theo báo cáo của Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận, sau khi nhận được thông tin phản ánh về tình trạng cá chết tại lồng bè thuộc thôn Vĩnh Tiến, xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong ngày 20-6, Sở đã phối hợp với nhiều cơ quan chức năng tiến hành khảo sát thực tế. Cụ thể, những cơ quan phối hợp gồm Chi cục Chăn nuôi thú y - Sở NN&PTNT, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường - Công an tỉnh, UBND huyện Tuy Phong, UBND xã Vĩnh Tân, Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường (đơn vị lấy mẫu).
Đoàn đã lấy hai mẫu nước biển (tại cạnh lồng bè của ông Nguyễn Ngọc Lộc và vị trí cách hộ nuôi lồng bè của ông Nguyễn Ngọc Lộc khoảng 200 m hướng về đảo Hòn Cau) để phân tích các thông số chất lượng nước biển vùng biển ven bờ theo QCVN 10 MT:2015/BTNMT. Đoàn cũng lấy hai mẫu cá (tại lồng bè của ông Dương Thành Nhơn và lồng bè của ông Nguyễn Ngọc Lộc) gửi Chi cục Thú y vùng VI để phân tích các nguyên nhân liên quan đến dịch bệnh.
Tại thời điểm khảo sát, đoàn kiểm tra ghi nhận tại khu vực người dân phản ánh có 13 hộ nuôi, gồm 15 lồng bè (chủ yếu cá bớp, cá chim, cá mú, tôm hùm); vị trí các lồng bè cách bờ khoảng 1,2 km, cách Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân khoảng 1 km.
Theo lời kể trước đó của ngư dân nuôi, mỗi bè chết khoảng 30-50 con/ngày, loại cá bị chết chủ yếu là cá bớp dưới 50 ngày tuổi, trọng lượng khoảng 60-100 g/con; cá chết rải rác từ ngày 15-6; có một hộ cá chết 100% (2.000 con, cá lớn khoảng 2 kg và cá nhỏ), các hộ còn lại bị chết với số lượng 10%-20% cá thả nuôi. Các hộ nuôi đã tiến hành vớt cá chết ra khỏi khu vực lồng bè. Qua theo dõi đến nay, cá bớp vẫn còn chết rải rác và các hộ nuôi đang dịch chuyển các lồng bè cách xa khu vực nuôi cũ.
Nhiều người dân cho rằng nguyên nhân cá chết là do ô nhiễm.
Báo cáo của Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận cho hay kết quả phân tích nhanh các mẫu cá đều âm tính với virus gây bệnh hoại tử thần kinh. Kết quả phân tích mẫu nước biển tại vị trí cách cảng nhập than Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 khoảng 70 m; các thông số, chất lượng đều nằm trong giới hạn cho phép. Riêng thông số Florua vượt 1,14 lần. Đối với mẫu nước biển cách hộ nuôi lồng bè của ông Nguyễn Văn Giá khoảng 10 m, thông số Florua cũng vượt 1,14 lần.
Từ những kết quả khảo sát và phân tích trên, chưa đủ cơ sở để xác định chính xác nguyên nhân gây ra tình trạng cá giống bị chết; chất lượng nước biển cơ bản đạt quy chuẩn phục vụ nuôi trồng thủy sản và bảo tồn thủy sinh, chỉ có hai chỉ tiêu không đạt tiêu chuẩn nhưng không đáng kể.
Sở TN&MT cho rằng sẽ tiếp tục làm rõ nguyên nhân cá chết, đặc biệt xác định có phải nguyên nhân là do dịch bệnh, giống cá, nguồn thức ăn.
Về giải pháp, theo Sở TN&MT, phải rà soát lại vùng quy hoạch, cần thiết phải di dời lồng bè ra xa Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4; khuyến cáo bà con định kỳ vệ sinh các lồng bè, sử dụng các chất sát khuẩn cá nuôi đúng cách, đúng liều lượng…
Theo những người dân tham gia nghe buổi công bố trên, việc tổ chức họp dân công bố nhưng lại cho rằng chưa xác định được nguyên nhân mà chỉ nói chung chung là chưa thuyết phục.
Trong số người dân có ông T., người có hàng ngàn cá nuôi lồng bè bị chết. Ông cho rằng nguyên nhân cá chết là do ô nhiễm môi trường nhưng khi công bố lại nói vòng vo nên người dân không đồng tình.